Thêm dấu hiệu sụt giảm tăng trưởng toàn cầu
Ảnh minh họa

Tại Eurozone, trong tháng 7, chỉ số quản lý mua hàng (PMI mua hàng) giảm xuống 42,7 so với 43,4 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020; PMI sản xuất giảm xuống 42,7 từ mức 44,2, mức thấp chưa từng thấy trong hơn 3 năm. Dữ liệu cho thấy, suy thoái sản xuất ở Đức ngày càng sâu sắc vào đầu quý IIII/2023 khi các nhà sản xuất hàng hóa ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh.

Trong khi đó, khu vực sản xuất của Pháp tiếp tục thu hẹp trong tháng 7 mặc dù suy thoái không quá tệ như dự báo ban đầu. Ngoài Liên minh châu Âu, PMI sản xuất trong tháng 7 ở Anh đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 7 tháng qua do lãi suất cao hơn và ít đơn đặt hàng mới hơn.

Các cuộc khảo sát cho thấy Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan chứng kiến PMI sản xuất giảm trong tháng 7 mà nguyên nhân chính là do nhu cầu của Trung Quốc không tăng, tác động đến toàn khu vực châu Á. PMI sản xuất của Trung Quốc giảm xuống 49,2 trong tháng 7 từ mức 50,5 trong tháng 6, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích là 50,3 và đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2023.

Trái ngược với châu Á và châu Âu, các điểm sáng về sản lượng của nhà máy diễn ra ở Canada, Brazil và Mexico. PMI sản xuất ở Mexico lên mức cao nhất trong 7 năm. Riêng ngành sản xuất của Mỹ dường như ổn định ở mức yếu trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới dần cải thiện nhưng việc làm trong nhà máy giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.

Viện Quản lý cung ứng của Mỹ (ISM) cho biết, PMI sản xuất của Mỹ tăng lên 46,4 vào tháng 7 từ mức 46,0 vào tháng 6. Nhưng đây là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số này ở dưới ngưỡng 50, điều này cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất dài nhất kể từ cuộc đại suy thoái 2007-2009.

Việc Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức AAA xuống còn AA+ cũng khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn./.