Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có một tuần diễn biến tương đối tích cực. Chỉ số VN-Index dù chịu áp lực bán gia tăng và giằng co, rung lắc xuất hiện, tuy nhiên, nhìn tổng thể vẫn là một tuần tăng điểm tích cực. Thị trường tăng rất tốt trong 3 phiên đầu tuần, giảm nhẹ sau đó rồi lại tăng nhẹ phiên cuối tuần. Dòng tiền tích cực là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số VN-Index.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index kết tuần tại 1.285,32 điểm, tăng +33,09 điểm, tương đương +2,64%). Độ rộng của thị trường nhìn chung cả tuần vẫn khá tích cực, mặc dù hai phiên cuối tuần sự phân hóa xuất hiện và sắc đỏ chiếm ưu thế.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm khá tốt. Theo đó, chỉ số HNX-Index kết tuần tại mốc 240,07 điểm, tăng +4,92 điểm, tương ứng +2,09% so với tuần trước. Chỉ số UPCoM-Index cũng có một tuần tăng với +1,04%, đóng cửa phiên cuối tuần tại 94,41 điểm.
Các nhóm ngành cùng có diễn biến tích cực trong tuần qua, khi số ngành tăng điểm chiếm ưu thế, trong đó đáng chú ý là diễn biến khá ấn tượng đến cổ phiếu bất động sản dân cư, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…
Theo dữ liệu từ SHS Research, nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho sự tăng điểm của thị trường tuần này là bất động sản dân cư với các mã DIG (+5,89%), CEO (+11,92%), PDR (+14,89%), NVL (+10,46%), VHM (+3,52%), NLG (+3,04%)...
Một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như chứng khoán, tiêu biểu là SSI (+2,75%), HCM (+5,7%), MBS (+5,47%), SHS (+3,7%), VND (+4%)... cùng những thông tin về việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung 04 thông tư để gỡ vướng pre-funding và đề xuất quy định để triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) từ Bộ Tài chính...
Thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện mạnh so với tuần trước, đặc biệt là trong 3 phiên đầu tuần. Tính chung cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 19.866 tỷ đồng/phiên, tăng +17,9% so với tuần trước. |
Nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm giao dịch trong sắc xanh với BVH (+5,35%), BMI (+2,04%), MIG (+1,87%)... Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tích cực với TCB (+4,43%), VCB (+4,88%), BID (+6,32%), CTG (+7,54%), MBB (+2,08%), VPB (+1,9%), ACB (+1,87%)...
Nhìn chung trong tuần, sự tích cực lan tỏa đều trên nhiều nhóm ngành, bao gồm cả những nhóm ngành phòng thủ như y tế với TNH (+7,64%), DHG (+0,85%), DCL (+0,77%)... Nhóm cổ phiếu điện tăng giá tốt với REE (+1%), POW (+0,74%), NT2 (+4,12%), TTA (+4,29%)...Tương tự, ngành thực phẩm và đồ uống có MSN (+0,78%), VNM (+1,49%), SAB (+1,07%), DBC (+2,37%)...
Thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện mạnh so với tuần trước, đặc biệt là trong 3 phiên đầu tuần. Tính chung cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 19.866 tỷ đồng/phiên, tăng +17,9% so với tuần trước. Thanh khoản tăng trên 2 sàn niêm yết với 19% và 17,6% trên HOSE và HNX, trong khi giảm -2,7% trên UPCoM.
Sau tuần mua ròng trước đó, tuần này khối ngoại đã quay sang bán ròng với -964 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, khối ngoại bán ròng -751,200 tỷ đồng trên HOSE, trong đó tập trung vào các mã: VHM (-408,7 tỷ đồng), HPG (-639,8 tỷ đồng), HSG (-301,9 tỷ đồng) và TCB (-175,3 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, trên HOSE, khối ngoại mua ròng FPT (+631,6 tỷ đồng), CTG (+360,4 tỷ đồng)... Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với -255 tỷ đồng, tập trung vào các mã: PVI (-95,5 tỷ đồng), IDC (-57 tỷ đồng) và NTP (-40,9 tỷ đồng)… Trên HOSE, khối ngoại mua ròng chủ yếu vào các mã: CEO (+11,8 tỷ đồng), SHS (+5,9 tỷ đồng), LAS (+2,6 tỷ đồng)...
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua nhận được sự hỗ trợ của nhiều thông tin tích cực. Trên thế giới, kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất trong kỳ họp tới tiếp tục tạo tâm lý tích cực trên thị trường. Điều này cũng tác động tới tỷ giá trong nước khi tỷ giá đã giảm đáng kể trong tuần trước diễn biến chỉ số DXY giảm sâu về dưới mức 102 điểm.
Trong tuần, nhà đầu tư cũng nhận được thông tin tích cực về Thông tư sửa đổi 4 thông tư sắp được ban hành và nút thắt quan trọng nhất về ký quỹ nhà đầu nước ngoài sẽ được tháo gỡ, hỗ trợ tích cực cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực gỡ khó cho nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc đẩy nhanh việc sửa đổi các luật về kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán với nhiều thông tin đáng chú ý, điển hình là việc bổ sung quy định để ra đời CCP. Đây cũng là thông tin tích cực để hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán theo tiêu chuẩn của MSCI.
Sự hồi phục nhẹ về điểm số cùng với thanh khoản ổn định là dấu hiệu tích cực, cho thấy chỉ số VN-Index có khả năng nối tiếp đà tăng hướng đến vùng mục tiêu 1.294 - 1.296 điểm. |
Đánh giá về thị trường chứng khoán, các chuyên gia của SHS Research cho rằng, ngắn hạn VN-Index đang quay trở lại xu hướng tăng trưởng, vượt lên vùng kháng cự gần nhất quanh 1.280 điểm để tiếp tục kiểm tra lại vùng đỉnh cũ quanh 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự rất mạnh mà sau nhiều lần hướng đến trong các tháng 3, 6 và 7/2024 đều chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Điểm tích cực là áp lực cung cổ phiếu T+2 về tài khoản thấp, thị trường luân phiên phục hồi tăng điểm ở các nhóm mã dẫn đến ngắn hạn rất nhiều vị thế mua có khả năng sinh lợi.
“VN-Index đang duy trì trong vùng giá 1.280 - 1.300 điểm, vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.280 điểm, hỗ trợ mạnh hơn 1.255 điểm - 1.260 điểm. Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự rất mạnh quanh 1.300 điểm, có thể mở rộng lên vùng 1.320 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 6/2022” – Chuyên gia của SHS Research dự báo.
Còn theo SSI Research, VN-Index đã có 2 phiên tích lũy trở lại. Sự hồi phục nhẹ về điểm số cùng với thanh khoản ổn định là dấu hiệu tích cực, cho thấy chỉ số VN-Index có khả năng nối tiếp đà tăng hướng đến vùng mục tiêu 1.294 - 1.296 điểm.
Các chuyên gia của KBSV cũng cho rằng, VN-Index hình thành mẫu nến rút chân và đóng cửa trên mức tham chiếu, cho thấy sự quyết liệt của lực cầu đẩy giá trở lại. Mặc dù có rủi ro xuất hiện áp lực chốt lời lớn trong phiên, với xung lực có phần áp đảo đang nghiêng về chiều mua, chỉ số sẽ có nhiều cơ hội chinh phục ngưỡng kháng cự quanh 1.300 điểm./.