Tiền hô hậu ủng

2 hội nghị về Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức vào 15/4 và 22/4. 4 hội nghị còn lại sẽ được lần lượt tổ chức từ nay đến cuối năm. Bộ Chính trị xác định: phát triển vùng - vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước. Trong suốt 35 năm đổi mới và qua các kỳ đại hội, Đảng luôn chú trọng phát triển vùng nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và các địa phương trong vùng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hội nghị của Bộ Chính trị về Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 22/4/2022.
Hội nghị của Bộ Chính trị về Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 22/4/2022.

Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã khẳng định chủ trương: “Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư; các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc”. Và gần đây nhất, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã đề ra chủ trương: “Nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới....

Cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển vùng của Đảng, trong 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết chuyên đề và 6 kết luận về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội. Và đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị đồng loạt tổ chức 6 hội nghị toàn quốc để quán triệt việc thực hiện và ra các nghị quyết mới về phát triển vùng, với sự có mặt đông đủ các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Nguồn: TTXVN   									                Đồ họa: T.L
Nguồn: TTXVN

6 hội nghị phát triển vùng đã và sẽ được tổ chức ở Hội trường nơi diễn ra các hội nghị trung ương, để nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử cho thời kỳ phát triển mới của các Vùng và được tổ chức theo tinh thần nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.

Trong lửa có thơ

Có thể thấy Bộ Chính trị đang dồn những nỗ lực rất cao là thắp lên bó đuốc rực lửa khí thế phát triển cho cả nước. Trong cả 2 hội nghị vừa được tổ chức, đều thấy có chung một slogan: “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước” và yêu cầu xuyên suốt là tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

Thức dậy lúc bình minh

Vào nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ đã có cuộc “ra quân” đồng loạt để nối vòng tay lớn giữa các vùng. “Tổng chỉ huy” khi đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng cả bộ máy Chính phủ trực tiếp đến tận các địa phương để chủ trì các hội nghị về Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trực tiếp chỉ đạo, điều hành chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng, với quyết tâm thắt lại các mối lỏng liên kết vùng, chấm dứt thời kỳ cả nước có 63 nền kinh tế.

Trong suốt nhiệm kỳ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục kêu gọi các địa phương liên kết, liên kết và yêu thương lẫn nhau bởi “môi hở thì răng lạnh”. Với các tỉnh, thành miền Trung, ông ví von vùng này phải như “những con gà luôn cất tiếng gáy từ lúc bình minh, các tỉnh miền Trung phải thức dậy sớm hơn để phát triển mạnh mẽ hơn”. Với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông nhiều lần bày tỏ nỗi xót xa “vùng đất này đã từng có thời kỳ phát triển trù phú, phồn vinh, với gạo trắng nước trong, ai đã muốn đến thì không muốn về…. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”; tất cả chỉ vì chúng ta chưa làm hết sức mình để vượt qua thách thức, chưa làm hết sức mình để thúc đẩy phát triển”.

Trong khí thế phát triển rực lửa, có cả những tình cảm lãng mạn và nên thơ truyền thêm cảm hứng. Tại Hội nghị về Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn ra những câu thơ rất đỗi da diết.

Hội nghị về Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, khi nói về quyết tâm rất cao của Đảng trong tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - nơi “địa đầu”, “phên giậu”, “lá phổi” của Tổ quốc; là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số; có truyền thống cách mạng vẻ vang; là “cội nguồn dân tộc”; và “cái nôi của cách mạng Việt Nam”; là nơi có các di tích gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như di tích đền Hùng (Phú thọ), Hang Pắc Bó (Cao Bằng), Cây đa Tân Trào và An toàn khu (Tuyên Quang), Điện Biên Phủ (Điện Biên)…; Tổng Bí thư đọc những câu thơ trong Bài “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu: “Mười lăm năm ấy, ai quên/Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà/Mình về mình có nhớ ta/Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…”.

Còn tại Hội nghị Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tổng Bí thư đọc thơ: “Quê tôi đó, tràn đầy sức trẻ/Quyết vươn lên, dáng vẻ đất chín rồng/Cho đẹp giầu, miền châu thổ Cửu Long/Cho ngọt mãi, hương nồng đêm hò hẹn/Miền Tây ơi, một tình yêu trọn vẹn/Tôi sẽ về, như đã hẹn cùng em…” - Tổng Bí thư cũng “tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhất định sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào “đồng khởi”, khí phách anh hùng “thành đồng” Tổ quốc và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người miền Tây”.

Liên kết - bài học từ cá chết

Trong những năm qua, giữa các vùng đã phải đối diện với thực tế liên kết hay là chết mà thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung mùa hè năm 2016 là một trong những dẫn chứng điển hình. Mùa hè năm đó, cá chết trắng trải dài trên bờ biển của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế kéo dài hàng tuần lễ nhưng các địa phương không đưa ra được cảnh báo sớm, không báo cáo ngay lên Trung ương, cũng không nhìn nhau để xem hiện tượng cá chết có phải là bất thường hay đó chỉ là đơn lẻ của vài con cá do thiếu ô-xy mà chết của tỉnh bạn, không liên quan gì đến tỉnh nhà, phó mặc cho người dân tự đi chôn cá chết…

Thậm chí, tin cá chết lên đến tai trung ương nhưng địa phương vẫn dửng dưng. Cá chết mang tính liên vùng nhưng vì quen cách hành xử cục bộ địa phương, nên các tỉnh này không sớm nhìn ra được thảm họa, để ứng phó. Chỉ đến khi quá trễ thì đồng loạt kêu cứu trung ương, vì “dân hỏi, không biết trả lời sao”, như phát biểu của lãnh đạo các tỉnh trong cuộc làm việc của Thủ tướng tại Hà Tĩnh ngày 1/5/2016. Giá như các địa phương có nhiều tình cảm với nhau hơn, có ý thức liên kết với nhau, sẵn sang bắt tay với nhau cùng giải quyết, thì cá chết có lẽ đã không thành thảm họa, hoặc cũng sẽ giảm nhiều về mức độ nghiêm trọng. Liên kết vùng đã có một bài học rất đau như vậy.