Thời điểm tốt để Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường
Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường có thể khuyến khích các sản phẩm thay thế tích cực. Ảnh: TL

PV: WHO đưa ra khuyến nghị giảm tiêu thụ đường, trong đó có đồ uống có đường để nhằm ngăn ngừa bệnh không lây nhiễm (BKLN). Ông có thể cho biết, lý do của việc WHO đưa ra khuyến nghị này?

Thời điểm tốt để Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Ông Mark Goodchild: Trên toàn cầu và đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam, chúng tôi nhận thấy gánh nặng các BKLN đang gia tăng và một trong các nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Nên tăng thuế đối với tất cả các sản phẩm không tốt cho sức khỏe

Ông Mark Goodchild nhấn mạnh, vì lợi ích cộng đồng và lợi ích kinh tế, giảm gánh nặng chí phí y tế, tử vong do các bệnh không lây nhiễm, Việt Nam cần cân nhắc tiếp tục tăng thuế đối với tất cả các sản phẩm không tốt cho sức khỏe, trong đó thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường là ưu tiên rõ ràng.

Đối với các BKLN thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển, gồm: môi trường sống không lành mạnh, sử dụng thuốc lá, rượu bia, các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn nhiều muối và đường (đặc biệt là trong các đồ uống ngọt).

Đây là lý do tại sao chúng tôi khuyến nghị các biện pháp can thiệp nhằm hạn chế nguồn gốc của các yếu tố nguy cơ đó, đặc biệt là việc tiêu thụ quá nhiều đường. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại được tích cực quảng bá và tiếp thị cho giới trẻ. Vì vậy, trong số các gói giải pháp can thiệp nhằm hạn chế các BKLN liên quan đến chế độ ăn uống, chúng tôi khuyến nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường (ĐUCĐ), để thực sự giải quyết các yếu tố nguy cơ này.

PV: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025. Trong đó, quan tâm đến giải pháp hạn chế tiêu thụ ĐUCĐ. Ông có bình luận thế nào về hành động này?

Ông Mark Goodchild: WHO hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai Quyết định số 155/QĐ-TTg.

Để triển khai hiệu quả kế hoạch này, Chính phủ cần có các can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học và thực tiễn để thực hiện được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra về sức khoẻ cộng đồng.

Chúng tôi hiểu rằng, việc áp thuế đối với các sản phẩm không lành mạnh này có thể là biện pháp giảm tiêu dùng hiệu quả nhất. Vì vậy, để có thể thực hiện các mục tiêu và đạt được các chỉ tiêu của Chính phủ Việt Nam, áp thuế ĐUCĐ là một giải pháp rất hiệu quả để triển khai thực hiện.

PV: Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có đưa ĐUCĐ vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Ông Mark Goodchild: WHO rất hoanh nghênh đề xuất này của Bộ Tài chính và chúng tôi cũng đã có khuyến nghị Việt Nam triển khai áp dụng thuế với ĐUCĐ vì lợi ích sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu và ngăn ngừa các BKLN liên quan đến chế độ ăn trong tương lai.

PV: Có ý kiến cho rằng việc đánh thuế vào ĐUCĐ sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, vì vậy nhiều quốc gia không chọn giải pháp này. Quan điểm của ông ra sao để hài hòa lợi ích doanh nghiệp với quyền lợi người tiêu dùng?

Ông Mark Goodchild: Mọi người thường cho rằng việc đánh thuế ĐUCĐ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một số tác nhân nào đó trong chuỗi giá trị. Trên thực tế, hiện nay một số nước đang áp dụng thuế đối với ĐUCĐ một cách rất thông minh.

Chúng ta đều biết rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên ĐUCĐ có thể khuyến khích các sản phẩm thay thế tích cực. Người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm lành mạnh hơn cũng có thể kích thích ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, tạo thêm việc làm và tăng trưởng tương tự như các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Đồng thời, một số quốc gia khác đã rất thông minh trong cách triển khai áp dụng thuế với ĐUCĐ nhằm khuyến khích doanh nghiệp cải tiến các sản phẩm của mình để đưa ra các sản phẩm có hàm lượng đường thấp hơn và ít tác hại hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có thể được hưởng lợi.

PV: Với Việt Nam việc áp dụng đánh thuế ĐUCĐ thế nào cho phù hợp, thưa ông?

Ông Mark Goodchild: Tôi cho rằng đây thực sự là thời điểm tốt nhất để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ĐUCĐ ở Việt Nam. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang chứng kiến gánh nặng ngày càng gia tăng do các BKLN liên quan đến chế độ ăn uống.

Chúng ta có thể thấy điều này qua tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang tăng nhanh ở người trưởng thành ở Việt Nam. Vì vậy, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ĐUCĐ có thể đóng vai trò rất quan trọng như một biện pháp phòng ngừa.

PV: Xin cảm ơn ông!

BÀ TRẦN THỊ TUYẾT - TRƯỞNG PHÒNG CHÍNH SÁCH THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT, VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ (BỘ TÀI CHÍNH):

Áp thuế với đồ uống có đường cụ thể hóa chủ trương của Đảng

Thời điểm tốt để Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng.

Chính phủ đã yêu cầu rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Quyết định số 155/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất mức thuế phù hợp đối với các sản phẩm ĐUCĐ, các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe và các sản phẩm kinh doanh có điều kiện để hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe...

PGS.TS TRƯƠNG TUYẾT MAI - VIỆN DINH DƯỠNG QUỐC GIA (BỘ Y TẾ):

Hạn chế tác hại của đồ uống có đường thông qua chính sách

Thời điểm tốt để Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Sử dụng ĐUCĐ quá đà, tần suất cao sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì, nhất là đối với trẻ em, gây nên bệnh tật. WHO đã cảnh cao việc tiêu thụ quá nhiều và thường

xuyên ĐUCĐ sẽ gây nguy cơ thừa cân béo phì, nguy cơ đái tháo đường type 2, nguy cơ hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng hệ xương răng, ảnh hưởng bệnh lý thận - tiết niệu, bệnh lý đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ…

Đến thời điểm này, Chính phủ cần cân nhắc thu thuế trong sản xuất và kinh doanh ĐUCĐ, thực phẩm chứa nhiều đường là một trong những giải pháp hạn chế mặt hàng này, kiểm soát hành vi tiêu dùng, chế biến…