Giữ khung giá vé máy bay, giá dịch vụ tại cảng biển

Liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình, đại diện Bộ Giao thông vận tải - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, đối với giá vé máy bay, theo đánh giá của Bộ, vào đầu quý II/2024 có tăng nhưng gần đây đã giảm.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Giá vé máy bay đã bớt căng thẳng
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang: Giá vé máy bay tăng vào đầu quý II/2024 nhưng gần đây đã giảm. Ảnh: Đức Minh.

“Đây là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ về điều hành giá, nỗ lực của cấp, các ngành, các hãng trong tăng cường năng lực vận tải hàng không, tiết giảm chi phí, có nhiều chuyến bay có giá vé rẻ” - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói.

Về giá cước vận tải, theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, thời gian gần đây có tăng do ảnh hưởng của tình hình chính trị thế giới; ngoài ra, có sự tắc nghẽn cục bộ ở các cảng biển ở Singapore. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải dự báo, tình trạng này sẽ không kéo dài, không giống như tắc nghẽn một số cảng như ở châu Âu, châu Mỹ mà chỉ trong thời gian ngắn. Dự báo thời gian tới sẽ giải tỏa được.

Đánh giá sự tắc nghẽn cục bộ ở cảng biển Singapore, ngoài việc tác động tiêu cực tới dịch vụ vận tải, nhưng mặt khác lại có tác dụng tạo sức ép các hãng tàu điều chỉnh tuyến vận tải theo hướng không tập trung quá nhiều vào Singapore và phù hợp với quy hoạch phát triển của nước ta.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành 2 thông tư theo quy định của Luật Giá quy định về giá dịch vụ hàng không và giá dịch vụ tại cảng biển, theo hướng cơ bản giữ nguyên như khung giá và giá tối đa như hiện nay, đảm bảo ổn định giá cả.

Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở và tỷ giá linh hoạt, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Thị trường ngoại tệ ổn định, mức mất giá của VND (4,8%) ở mức trung bình so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

Về công tác quản lý thị trường vàng, theo lãnh đạo NHNN, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, triển khai các biện pháp, công cụ theo pháp luật để quản lý, điều hành thị trường; chủ động can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế.

Giữ ổn định giá sách giáo khoa

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giá học phí trong 6 tháng đầu năm vẫn áp dụng theo năm học 2023-2024. Đối với giáo dục mầm non phổ thông giữ ổn định như năm trước. 3 năm nay đã không tăng học phí đối với cấp mầm non phổ thông.

Đã kê khai điều chỉnh giảm từ 5-15% giá sách giáo khoa

Ước tính giá SGK giảm góp phần làm cho CPI năm 2024 giảm khoảng 0,01 điểm phần trăm.

Về giá học phí đối với cơ sở giáo dục đại học, năm học 2023-2024 mức học phí bằng mức trần năm học trước quy định theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, đến năm 2025-2026, cơ bản bù đắp chi thường xuyên, tuy nhiên, để giữ ổn định giá cả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Theo quy định của Nghị định 97/2023/NĐ-CP, học phí đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thì giữ ổn định mức thu từ năm học 2023-2024 bằng năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đối với năm học 2024-2025, giá học phí đối với cấp học mầm non phổ thông vẫn giữ như hiện nay. Đối với giáo dục đại học, đề xuất tăng 12,5 - 14% so với năm trước. Chính phủ đang giao Bộ Giáo dục và Đại học rà soát lại lộ trình học phí quy định tại 2 nghị định nêu trên. “Học phí chiếm 50 - 60% chi phí đào tạo, nếu không tăng học phí cho khối giáo dục đại học thì rất khó khăn” - đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị được điều chỉnh như quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP.

Về giá sách giáo khoa, năm học 2024-2025, dự kiến, việc điều chỉnh tăng giá sẽ góp phần tăng từ 0,01 - 0,04 điểm %. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa. Hiện nay Bộ đang dự thảo ban hành quy định giá sách giáo khoa tối đa theo Luật Giá số 16/2023/QH15. Theo đó, mức trần giữ ổn định, không tăng so với hiện hành để kiểm soát giá sách giáo khoa trong thời gian tới.

Liên quan đến nhóm các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Tài chính đề xuất./.

Điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải "từ sớm, từ xa"

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, “để tránh lãng phí cơ hội” điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các bộ, ngành cần chủ động đề xuất từ sớm, từ xa. Có thể đầu tháng, đầu quý, các bộ trình điều chỉnh giá trên khung giá cụ thể với mức độ, liều lượng và thời gian ra sao, để các cơ quan quản lý cân nhắc trước khi quyết định.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, Tổng cục Thống kê hiện đang quản lý hơn 700 mặt hàng, nhưng chỉ đánh giá một số mặt hàng, còn lại là các mặt hàng do Trung ương, có mặt hàng do địa phương điều hành.

“Do đó, phải có kịch bản rõ ràng khi điều chỉnh giá các hàng hóa thiết yếu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Làm rõ để chuẩn bị từ sớm, từ xa, có cái nhìn tổng thể trong điều hành. Thông tin không có sẽ điều hành giật cục” - bà Nguyễn Thị Hương nói.