thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ngành Tài chính” – Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khi trả lời phỏng vấn TBTCVN về hoạt động của Tổng cục DTNN.

TBTCVN: Trong những năm gần đây, ngành DTNN đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo được những “dấu mốc” đáng nhớ. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành DTNN?

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu: Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, ngành DTNN luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “tích cốc phòng cơ” mà Đảng và Nhà nước giao cho. Đặc biệt trong những năm gần đây, hệ thống DTNN đã có những bước chuyển mạnh mẽ về tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; cứu trợ, cứu đói, góp phần đảm bảo an sinh và trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Đánh giá này xuất phát từ những điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, Tổng cục DTNN đã nỗ lực tham mưu giúp Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia (DTQG), trong đó phải kể đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cụ thể: Tổng cục DTNN đã chủ động, sáng tạo, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các cơ quan có liên quan xây dựng để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật DTQG (năm 2012); trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DTQG, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN đến năm 2020… Đó là những cơ chế, chính sách quan trọng, định hướng cho sự phát triển lâu dài, ổn định của hệ thống DTNN; là nền tảng pháp lý cao nhất cho hoạt động DTQG, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý hoạt động DTQG.

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu

Thứ hai, quy mô DTNN ngày càng được củng cố và nâng cao dần. Tính đến 31/12/2016, mặc dù quy mô hàng DTQG tại 8 bộ ngành mới chỉ đạt khoảng 0,3% GDP nhưng cũng đã tăng gấp 2 lần so với năm 2008.

Thứ ba, với quy mô như trên, danh mục mặt hàng phù hợp, bố trí đều khắp trên 8 vùng kinh tế trong cả nước nên công tác hỗ trợ, cứu trợ, cứu nạn của ngành DTNN luôn sẵn sàng và đáp ứng kịp thời các yêu cầu khi có tình huống thiên tai, dịch bệnh… đột xuất, cấp bách xảy ra. Tổng giá trị xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ hàng năm đều trên mức 1.000 tỷ đồng, trong đó lượng gạo DTQG xuất cấp thường hơn 100.000 tấn/năm.

Thứ tư, từng bước nâng cấp, xây dựng hệ thống kho DTNN nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng bảo quản hàng DTQG đi đôi với thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, quan trọng hàng đầu của ngành. Nhiều mặt hàng đã được bảo quản với công nghệ mới, kéo dài thời gian lưu kho, tiết kiệm NSNN.

Điểm cuối cùng nhưng hết sức quan trọng là, tổ chức bộ máy của Tổng cục DTNN được hoàn thiện theo hướng ổn định và phát triển với hệ thống ngành dọc, được bố trí tại các địa bàn quan trọng để kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động DTQG theo quy định của pháp luật...

TBTCVN: Để đạt được những thành tựu quan trọng đó, ngành DTNN đã dựa vào những yếu tố nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu: Để đạt được những thành tựu đó, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với hoạt động DTNN và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, các địa phương, coi đó là một hoạt động kinh tế đặc biệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Sự quan tâm này thể hiện qua việc ban hành đồng bộ hệ thống pháp luật về DTQG làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện; việc bố trí nguồn lực từ NSNN cho mua sắm hàng DTQG, cho đầu tư cơ sở hạ tầng..., được tăng dần qua các năm, tạo tiềm lực cơ bản cho DTNN sẵn sàng và chủ động đáp ứng kịp thời trong các tình huống cấp bách, đảm bảo an ninh, quốc phòng, góp phần ổn định đời sống nhân dân và thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương với các cơ quan DTNN chuyên trách ở Trung ương trong việc đánh giá, đề xuất những nhu cầu cần dự trữ tại địa phương, tại các bộ để xây dựng chiến lược, quy hoạch đạt hiệu quả cao, đáp ứng tốt các yêu cầu vùng, miền, đáp ứng tốt yêu cầu “4 tại chỗ” và yêu cầu an sinh xã hội, đồng thời bảo vệ tốt kho tàng, tài sản DTQG, tham gia tích cực trong công tác nhập, xuất, cứu trợ và các tình huống đột xuất khác.

Yếu tố quan trọng nhất là cán bộ, công chức hệ thống DTNN đã cố gắng nỗ lực phấn đấu để thực hiện với kết quả cao nhất các nhiệm vụ được giao, biết phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm, tận lực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Đây chính là nhân tố quyết định cho mọi thành công của DTNN những năm qua.

TBTCVN: Để thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ trong chặng đường tiếp theo, Tổng cục DTNN cần phải làm những gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu: Những năm sắp tới, cả trước mắt và lâu dài, nhiệm vụ của toàn ngành Tài chính là hết sức nặng nề. Trong đó đáng chú ý là hoàn thành nhiệm vụ Tài chính ngân sách năm 2017, tạo thế và lực để cùng với các ngành, các cấp hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016 – 2020...

Trong bối cảnh ấy, hệ thống DTNN cần phải tập trung vào những giải pháp định hướng quan trọng, cốt lõi sau:

Một là, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện về hệ thống pháp luật tài chính nói chung và pháp luật về dự trữ nhà nước nói riêng. Đối với pháp luật về DTQG: Do Luật DTQG mới đi vào thực hiện chưa được 4 năm, do vậy cần phải đánh giá việc ban hành, thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật cho đồng bộ, sát với thực tiễn, qua đó phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế. Trong giai đoạn tới cần tập trung vào hiện đại hóa công nghệ bảo quản hàng DTQG, đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về DTQG, thực hiện cải cách thủ tục nhập, xuất kho hàng DTQG… để bổ sung sửa đổi cho phù hợp.

Hai là, tổ chức điều hành hoạt động DTQG thông suốt, hiệu quả, đi đôi với thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đặc biệt, Tổng cục DTNN cần nghiên cứu cải tiến quy trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ các khâu xây dựng, tổng hợp, đề xuất nhu cầu tại các địa phương đến việc phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng nguồn lực DTQG, ngày càng khẳng định được vị trí vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức DTQG chuyên sâu, chuyên nghiệp, tổ chức bộ máy DTQG tinh gọn, hiệu quả đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Với những kết quả thiết thực và tích cực mà ngành DTNN đạt được thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng đội ngũ cán bộ, công chức ngành DTNN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp tục vững bước tiến lên đạt nhiều thành tựu và đóng góp to lớn hơn nữa cho ngành Tài chính cũng như cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đến nay, quy mô DTQG bằng hiện vật từng bước được tăng dần theo lộ trình và đã gần đạt mức dự trữ theo Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra; các mặt hàng lương thực và xăng dầu đạt tỷ lệ cao, các mặt hàng quốc phòng, an ninh đã được đầu tư mua sắm theo hướng tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Các mặt hàng vacxin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy… lượng tồn kho đủ để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên khi có sự cố xảy ra giảm thiểu được thiệt hại về người và của, kịp thời giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, sớm khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng an ninh, tham gia bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội.

Trọng Nghĩa – Hồng Sâm (thực hiện)