undefined

Đây là một chủ đề được nêu ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo của Ngân hàng Thế giới “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh: Gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam” diễn ra hôm qua, tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, sau những thành tựu ấn tượng trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn để duy trì thành quả và tốc độ tăng trưởng nhanh. Tự do hóa kinh tế sau hai thập kỷ đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo nhiều việc làm và giảm nghèo nhanh hơn. Tuy nhiên, hiệu quả mạnh mẽ này cũng đi cùng với những thách thức lớn như hàng xuất khẩu sử dụng công nghệ thấp, thâm hụt thương mại tăng và giá trị gia tăng nội địa thấp.

Đáng lưu ý hơn, mặc dù được coi là quan trọng cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam, thuận lợi thương mại và logistics lại không được chú ý đề cập trong chiến lược tăng trưởng toàn diện và cơ sở hạ tầng. Vì thế, không lấy làm lạ khi một tầm nhìn về năng lực cạnh tranh xuất khẩu chưa hề xuất hiện.

Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ), những nội dung này chưa có được sự quan tâm đúng mức của các bộ, ngành liên quan. Với tình hình năng lực cạnh tranh sụt giảm mạnh trong vài năm gần đây, Việt Nam cần khẩn trương tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong 5 – 10 năm tới.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lại cho rằng, cần có nghiên cứu khảo sát để làm rõ mức độ tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng GDP là bao nhiêu %.

Hiện nay, 65% kim ngạch xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp FDI và xu hướng này đang tăng mạnh. Với sự tham gia mới đây của những doanh nghiệp như Samsung, LG thì tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam càng ngày càng giảm.

“Vậy ai sẽ hưởng các lợi thế thương mại nếu chúng ta thực thi các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu? Làm thế nào thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn tạo được cơ hội và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, để họ có khả năng cạnh tranh quốc tế, chứ không thể thu hút đầu tư nước ngoài để rồi xuất khẩu thiên về FDI. Đây là vấn đề mà chúng ta cần tìm được lời giải”, ông Nguyễn Mại nói.

Hoàng Yến