dt

Hiện thị trường Anh mới chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Bởi vậy, trong thời gian ngắn trước mắt, sự tác động của sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU (Brexit) đến hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam không lớn lắm. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tác động của sự kiện Brexit đến hoạt động thương mại và đầu tư song phương Việt Nam – Anh?

- Ông Nguyễn Mại: Việt Nam và Anh đang có mối quan hệ đối tác thương mại, đầu tư. Khi nền kinh tế Anh thay đổi thì chắc chắn sẽ có tác động đến các “bạn hàng”, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Anh không phải là đối tác thương mại, đầu tư quá lớn đối với Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam – Anh chiếm tỷ trọng không nhiều trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nên trong thời gian ngắn trước mắt, sự tác động không lớn lắm.

Cụ thể, về thương mại, hiện thị trường Anh mới chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam, với kim ngạch năm 2015 đạt mức 4,65 tỷ USD. Tuy nhiên, điểm lưu ý là XK của Việt Nam sang Anh trong những năm gần đây tăng khá mạnh, với tốc độ bình quân là 22,5%/năm. Do vậy, việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng tới thị trường XK của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện, các sản phẩm dệt may, da giầy… Trong EU, Pháp, Đức, Anh đang là những bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam. Anh rời EU nghĩa là chính sách của họ sẽ ít nhiều có thay đổi, kinh tế sẽ có những sự sụt giảm nhất định và như thế sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam.

Về đầu tư, tính đến 20/6/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký của Anh vào Việt Nam đạt khoảng 4,6 tỷ USD, với khoảng 266 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó, hơn 50% vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Do đó, với số lượng các dự án đầu tư trực tiếp từ Anh vào Việt Nam không lớn lắm, nên sức tác động cũng sẽ không lớn.

Một số ý kiến tỏ ra lo ngại, hậu Brexit, kinh tế Anh suy giảm sẽ kéo theo đầu tư trực tiếp của Anh tại Việt Nam có thể bị rút theo. Tôi cho rằng, không có nhiều cơ sở để khẳng định điều này. Do Việt Nam ngày càng hấp dẫn trong thu hút FDI, những dự án đầu tư lâu năm của Anh tại Việt Nam như Dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, Rolls-Royce… vẫn mang lại tỷ suất lợi nhuận cao. Sự ảnh hưởng nếu có chỉ là ở những dự án đầu tư mới, còn những dự án đầu tư lâu năm sẽ không có ảnh hưởng gì nhiều. Bởi, khi kinh tế trong nước suy thoái, Chính phủ Anh sẽ coi trọng đầu tư nội địa, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Chính phủ sẽ hạn chế chuyển tiền và công nghệ ra nước ngoài.

mai
Ông Nguyễn Mại

* PV: Tuy nhiên, xét rộng ra thì EU là đối tác XK lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), nếu kinh tế EU suy yếu sau cú sốc này, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Mại: Hiện tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và EU chiếm khoảng 19% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2015, nên sự suy giảm của kinh tế khu vực này sẽ có tác động tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt ở phương diện XK. Tuy nhiên, theo nhiều dự báo, sau cú sốc ban đầu, kinh tế khu vực EU có khả năng sẽ cân bằng lại trong thời gian ngắn. Tăng trưởng của khu vực EU có thể chỉ giảm khoảng 1 - 2% sau Brexit, nên quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn.

Đặc biệt, theo tôi, ảnh hưởng trực tiếp từ EU và Anh lại không lớn bằng ảnh hưởng gián tiếp từ Trung Quốc. Khi Anh rời EU, đồng Euro và đồng Bảng Anh giảm sâu. Cũng như Việt Nam, XK của Trung Quốc bị tác động. Hàng hóa của Trung Quốc trở nên đắt đỏ và kém cạnh tranh hơn. Để hỗ trợ XK, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ. Điều này gây nên áp lực cạnh tranh lớn cho hàng Việt Nam trước đối thủ Trung Quốc trong XK vào thị trường EU.

* PV: Nhìn từ sự kiện Brexit, theo ông Việt Nam cần có những sự chuẩn bị như thế nào trước những cú sốc kinh tế lớn trên thế giới, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu như hiện nay?

- Ông Nguyễn Mại: Có thể thấy rõ, sự kiện Brexit xảy ra ảnh hưởng đến Việt Nam trước mắt chủ yếu là ở khía cạnh tâm lý. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm nghiêm trọng một vài phiên khi có thông tin Anh rời khỏi EU, mặc dù điều này hoàn toàn không có liên quan gì đến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng đã tác động đến tâm lý của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điều này nói lên rằng, khi chúng ta hội nhập càng sâu với nền kinh tế thế giới thì bất kỳ động thái thay đổi nào của thị trường thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tức thì đến doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam. Chúng ta cần phải có những dự báo sớm, có giải pháp dự phòng từ sớm để đảm bảo cho những cú sốc như vậy không bị tác động lâu dài. Chuẩn bị ứng phó với các cú sốc khi đã mở cửa hội nhập sâu rộng là đòi hỏi cấp thiết và Việt Nam có thể đúc rút được nhiều bài học quý từ cơn chấn động Brexit.

* Xin cảm ơn ông!

Thiện Trần (thực hiện)