“Năm này là năm rất vẻ vang”

Đất nước vừa bước qua một năm đầy bất an, ảm đạm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường diễn ra vào tháng 1/2022, đã tóm tắt lại rằng: “Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kế hoạch. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu tiếp tục gia tăng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt. Tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, còn có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới và tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ, ngày 6/2/2022 tại khu di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ, ngày 6/2/2022 tại khu di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Nền kinh tế đã “ốm yếu” đến mức độ như vậy, làm thế nào để gượng lại được về cả tinh thần, thể chất không phải là điều dễ dàng. Đúng thời khắc giao thừa thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhớ lại mùa xuân của 80 năm trước, mùa Xuân Nhâm Ngọ 1942, trên báo “Việt Nam Độc Lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúc toàn quốc ta trong nǎm này/Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!/Nǎm này là nǎm rất vẻ vang”, với hàm ý sự vẻ vang sẽ trở lại trong năm 2022 và phải nỗ lực hết sức đem sự vẻ vang trở lại cho “xứng đáng với phẩm chất anh hùng của cha ông chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, trải qua hàng ngàn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước”.

Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân cả nước lại hưởng ứng Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân cả nước lại hưởng ứng Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lời chúc của Bác nay tròn 80 năm, dù lịch sử đã sang những trang mới, nhưng những phẩm chất được hun đúc từ lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, sự bền bỉ, giàu đức hi sinh của nhân dân ta vẫn không bao giờ mai một, phai nhạt. Năm 2021, trong những thời khắc thử thách nhất, đã chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp, tấm gương dấn thân vì việc nghĩa, hy sinh vì cộng đồng ở mọi tầng lớp nhân dân.

Tỷ cây xanh, muôn ngàn sức sống

Đúng sáng lập Xuân Nhâm Dần, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Người đứng đầu Nhà nước kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, các đơn vị quân đội, công an, các cơ quan, các chùa, nhà thờ, thánh thất, các anh, các chị, các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng ngay từ những ngày đầu Xuân. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát động Tết trồng cây năm 2022 trong toàn quân. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại Hưng Yên, Bắc Giang. Ninh Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa… cũng đồng loạt phát động Tết trồng cây.

Mọi giờ phút đều với lòng biết ơn

Không quên bất kỳ ai trong lời chúc tết đêm Giao thừa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến từ những bác sỹ, y tá, chiến sỹ, tình nguyện viên không quản ngại nguy hiểm vùng dịch, để lại phía sau gia đình, cha mẹ già, con thơ; đến những cụ già đã đem hết số tiền tiết kiệm của mình ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19; những cháu thiếu niên, nhi đồng đã vẽ những bức tranh tuyệt đẹp, nhiều bài thơ hay, lá thư thật xúc động, bày tỏ ước mơ, tình cảm với các y bác sỹ, cũng như niềm tin về sức mạnh Việt Nam trong thử thách đại dịch….

Người đứng đầu Nhà nước cũng gửi lời tri ân đến những người con Việt Nam ngay trong thời khắc giao thừa vẫn đang ở tuyến đầu chống dịch; các chiến sỹ ngày đêm giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên cương, hải đảo hay những anh chị em ở nhiều ngành nghề tiếp tục miệt mài công việc, không thể đón tết trọn vẹn bên gia đình…

Chủ tịch nước bày tỏ: “Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng những nỗ lực lao động vì trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Đất nước ghi nhớ những hy sinh của đồng bào, đồng chí, trân trọng tấm lòng hướng về tổ quốc của đồng bào ta ở nước ngoài và sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế”.

Một quốc gia, với những lãnh đạo đất nước trong mọi giờ phút đều có lòng biết ơn nhân dân, thì có thêm nhiều hy vọng quốc gia ấy sẽ không ngừng vươn lên, 2022 sẽ lại là năm rất vẻ vang cho Việt Nam.

Một năm trước, trước khi rời cương vị Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/4/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Đề án số 524, với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh"; trong đó, có 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện đề án, cả nước trồng được 210 triệu cây, đạt l15% kế hoạch đề ra cho năm.

Tỷ cây xanh là muôn ngàn sức sống, bởi mỗi cây xanh, không chỉ là một sự sống mà ở đó còn gửi gắm niềm lạc quan bất tận về cuộc sống thịnh vượng, bình yên với “những mùa màng bội thu; sản xuất, kinh doanh luôn thành công; những dòng sông luôn tuôn chảy mát lành; những trẻ em luôn có những giấc mơ và hoài bão vươn xa; những cụ già sống trọn phần đời thật ý nghĩa, hạnh phúc”, mà khi phát biểu tại Lễ nhậm chức Chủ tịch nước ngày 5/4/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến. Và hơn cả, trồng cây là để cho “đất nước càng ngày càng xuân” như lời nói của Bác Hồ khi phát động Tết trồng cây lần đầu tiên năm 1959.

Một ngày sau khi đánh trống phát động Tết trồng cây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ cày ruộng tịch điền, tại Lễ Tịch điền Đọi Sơn 2022. Những hạt mầm được gieo tượng trưng trong một nghi lễ đã có từ hơn nghìn năm trước, một lần nữa, mang đến nhiều niềm vui và hy vọng. Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng giục những sá cày "đánh thức đất đai, khai xuân động thổ" vang vọng cả nghìn năm và giờ đây thêm thôi thúc đón những mùa màng xanh tươi.

Giữ trọn vẹn lời hứa

Tháng đầu tiên của năm 2022, vào sáng 19/1/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ thông xe kỹ thuật tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, phục vụ lưu thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thực hiện trọn vẹn lời hứa với 20 triệu người dân miền Tây Nam Bộ. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án đi vào lịch sử cao tốc của Việt Nam khi nó kéo dài tới hơn thập kỷ và nhiều lần đứng trước bờ vực của đổ vỡ, sau đó được Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 cấp tập “giải cứu” bởi “phải thực hiện bằng được lời hứa có cao tốc cho người dân miền Tây”. Không chỉ cao tốc cho người dân miền Tây, Chính phủ phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 4.000 km cao tốc kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngày 7/2/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Dự án thành phần II (giai đoạn 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng đang ra sức thúc đẩy các dự án cao tốc. Đến nay, cả nước có 1.163 km đường bộ cao tốc; dự kiến đến năm 2023 hoàn thành khoảng 916 km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079km; đến năm 2030 sẽ có 5.000 km cao tốc, xóa vùng “trắng” cao tốc ở Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Việc xây dựng đường cao tốc của Việt Nam được đặt ra từ những năm 2000 và vào tháng 12/2004, tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước là TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được khởi công.