hội

Toàn cảnh hội nghị.

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí

5 năm (2011 - 2015), nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí về số người chết, số người bị thương và số vụ. Lần đầu tiên sau nhiều năm, năm 2014, số người tử vong vì tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người. Ùn tắc ở các thành phố lớn như TP. HCM, Đà Nẵng tiến bộ vượt bậc.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người, số người chết vẫn còn lớn. Xe quá tải đã giảm 85% nhưng còn tới 15% quá tải, tàn phá đường. Đặc biệt là còn nhiều vi phạm, đường bộ,đường sắt, thủy, hàng không. Quản lý nhà nước có sát sao hơn nhưng còn nhiều bất cập.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, là thành phố lớn nên lưu lượng giao thông lớn, mật độ phương tiện nhiều nhưng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nên mặc dù được Trung ương quan tâm, hỗ trợ nhưng Hà Nội vẫn phải chịu áp lực lớn.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện; đi đầu cả nước hiện đại hóa điều hành giao thông, tuyên truyền, quản lý, đặc biệt là đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống giao thông công cộng…

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, về lâu dài, Hà Nội sẽ tập trung phối hợp với Bộ GTVT và bộ, ngành liên quan để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại. Đồng thời, sẽ tập trung phối hợp với bộ, ngành Trung ương hạn chế xây dựng nhà cao tầng, đưa dân khỏi khu vực nội đô… "Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phố hợp với Hà Nội xử lý các vấn đề sai phạm xe liên tỉnh, nâng cao chất lượng an toàn cho hành khách và người dân”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác đại diện TP. HCM đề nghị phải căn cứ vào bộ tiêu chí nhất định để kéo giảm tai nạn giao thông, chứ không thể cứ đưa con số năm sau kéo giảm so với năm trước thì kéo tới bao giờ?

Cũng tại hội nghị, ông Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diến biến phức tạp, nhất là ùn tắc giao thông. Tỷ lệ xử phạt tăng trên 4 triệu trường hợp so với 5 năm trước. Cùng với đó, tình trạng người vi phạm giao thông chống người thi hành công vụ không giảm, gần 250 vụ chống người thi hành công vụ trong 5 năm.

“Dù vi phạm giao thông hay chở quá tải, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Việc đào tạo cấp giấy phép lái xe nhiều năm nay bị buông lỏng, quản lý lái xe sau đào tạo cũng bị buông lỏng. Chính vì vậy, chế tài phải mạnh mới giảm được vi phạm”, ông Hà kiên quyết.

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, hiện Bộ GTVT đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi của Nghị định 171 với các chế tài xử phạt tăng lên. Trong quý I/2016, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ ban hành tiêu chí về giảm tai nạn giao thông. Còn lại mọi số liệu báo cáo về TNGT đều do Bộ Công an cung cấp thống nhất, có văn bản.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ nghiên cứu kiến nghị của một số địa phương đề xuất xóa điểm đen tai nạn giao thông, cách thức tổ chức giao thông hợp lý. Bộ GTVT sẽ tiếp thu và có phương án phối hợp để triển khai.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 cần phải nâng cao nhận thức, văn hóa giao thông cho người dân; tiếp tục kéo giảm ùn tắc tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, phải giảm hơn nữa số người chết vì TNGT. Các địa phương cần tìm biện pháp căn cơ để toàn quốc kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống 5.000 người.

Để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng, phải tổ chức quản lý đô thị tốt, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, kiến nghị sửa đổi, bổ sung thể chế cho phù hợp với điều kiện thực tế. Một mặt cần giáo dục chính trị tư tưởng trong từng đoàn thể, gia đình, người dân để nâng cao nhận thức về ATGT nhưng cũng phải tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm vi phạm.

Ngoài ra, các bộ, ngành và Ủy ban ATGT Quốc gia phải có đề án cụ thể để triển khai các giải pháp góp phần đảm bảo ATGT quốc gia./.

Bài và ảnh: Trí Dũng