Chưa khai mạc đã lập kỷ lục

Vào lúc này, mặc dù SEA Games 31 chưa chính thức khai mạc nhưng đã có cả biển người reo hò trên các sân vận động. Vào các tối 6/5/2022 và 8/5/2022, sân vận động Việt Trì (Phú Thọ) với sức chứa hơn 2 vạn người không còn chỗ trống khi diễn ra các trận bóng U23 Việt Nam gặp U23 Indonesia và U23 Philippines.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên các vận động viên, huấn luyện viên dự SEA Games 31, ngày 18/4/2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên các vận động viên, huấn luyện viên dự SEA Games 31, ngày 18/4/2022.

Dành trọn vẹn trái tim cổ vũ cho đội nhà đã đành, người dân Việt Nam cũng sẵn sàng dành tình cảm cổ vũ cho các đội láng giềng. Hàng trăm cổ động viên vào cuối tuần rồi đã đi diễu hành quanh thành phố Nam Định với điểm đến là khách sạn Nam Cường, nơi lưu trú của các đội bóng, vừa hô vang Việt Nam, Lào, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, vừa nồng nhiệt vẫy cờ Việt Nam cùng cờ của các quốc gia này. Khoảng 3 vạn khán giả đã có mặt trên sân vận động Thiên Trường (Nam Định) để cổ vũ cho các đội tuyển Lào, Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Tờ báo thể thao hàng đầu của Thái Lan - Siam Sport viết: “Loạt trận đầu tiên ở vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games đã diễn ra theo cách đầy ngoạn mục. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam cổ vũ cuồng nhiệt trên sân Thiên Trường". Còn Trang fanpage ASEAN Football đăng tải hình ảnh tại sân Thiên Trường tối 7/5/2022 - thời điểm diễn ra 2 trận đấu bóng đá bảng B, U23 Lào gặp U23 Singapore và U23 Thái Lan gặp U23 Malaysia cùng bình luận: “Thật là bầu không khí cuồng nhiệt. 30.000 cổ động viên có mặt ở sân Thiên Trường tối nay. Đây là kỷ lục mới về trận đấu có nhiều khán giả nhất tại một sân vận động trung lập trong lịch sử SEA Games”…

Sân vận động Việt Trì với sức chứa hơn 2 vạn người không còn chỗ trống khi diễn ra trận bóng U23 Việt Nam gặp U23 Indonesia,  ngày 6/5/2022.
Sân vận động Việt Trì với sức chứa hơn 2 vạn người không còn chỗ trống khi diễn ra trận bóng U23 Việt Nam gặp U23 Indonesia, ngày 6/5/2022.

Sân vận động Thiên Trường cũng là nơi đã lên các trang báo quốc tế hồi mùa hè hai năm trước. Lúc bấy giờ, gần như cả thế giới vắng lặng trong cách ly, phong tỏa vì sự hoành hành của virus Corona và hình ảnh biển người ở sân vận động Thiên Trường được hãng tin Reuters đăng tải cùng bài viết có tựa đề: “Giải vô địch quốc gia Việt Nam trở lại với chật kín khán giả khi nguy cơ dịch bệnh bị đẩy lùi”, đã mang lại sự ngưỡng mộ cho bạn bè quốc tế với Việt Nam.

Về hai sự “giải ngân”

Góp cùng sự cuồng nhiệt ở lĩnh vực thể thao, du lịch cũng trong những ngày tràn đầy sức sống. Chưa bao giờ, các nhận định về “ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực là yếu tố quyết định” lại trở nên sinh động và sát với thực tiễn như khi nhìn ở bức tranh du lịch thời hậu đại dịch. Ước tính lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2022 đạt 70.000 lượt. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa gấp hàng trăm lần con số này, với lượng khách du lịch nội địa tháng 4/2022 đạt 10,5 triệu lượt. Tính cả 4 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 92.400 lượt. Tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 36,6 triệu lượt khách.

Thể thao không chỉ là thể thao

Kiểm tra công tác chuẩn bị cho tổ chức SEA Games 31 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngày 18/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh SEA Games 31 là cơ hội để nước chủ nhà vinh dự, tự hào quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam với du khách quốc tế. Vài ngày sau, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) cũng đi kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ SEA Games 31 tại Bắc Giang, Bắc Ninh.

Cùng với Hà Nội, 11 tỉnh, thành lân cận được chọn là nơi tổ chức SEA Games 31. Các địa phương đều đang rất háo hức. Như tại Bắc Giang, đây là lần đầu tiên Bắc Giang được đăng cai tổ chức một môn thi đấu của sự kiện thể thao lớn, mang tầm khu vực, quốc tế như vậy.

Vượt qua những mất mát, nhọc nhằn vật lộn với đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam vẫn giữ được trọn vẹn niềm vui với thể thao. Sự mến khách, nồng hậu cũng không vì những lo toan cơm áo gạo tiền thường nhật mà nhạt đi. Thể thao đã không chỉ là thể thao, mà ở đó còn nhìn thấy ý chí, sự lạc quan, sự kết nối đưa cả nền kinh tế có thêm tinh thần cùng bật dậy theo những tiếng reo hò trên sân cỏ khi trái bóng lăn.

Gần một nửa dân số Việt Nam hăm hở với các chuyến đi, “cứu vãn” cho vô số nhà xe, nhà hàng, khách sạn… và tất nhiên đã tạo ra việc làm cho hơn triệu lao động trong lĩnh vực này. Tổng thu từ khách du lịch 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 158.000 tỷ đồng, nhiều hơn hàng chục nghìn tỷ đồng số tiền dành cho đầu tư công giúp cho GDP bứt lên.

Nhưng trong khi người dân “giải ngân” được số tiền lớn như vậy chỉ trong vòng 4 tháng, thì ở lĩnh vực đầu tư công, tốc độ giải ngân là khá… ngậm ngùi. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4/2022 chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2022 tăng 9,1% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm trước, dù bắt đầu bị bao phủ bởi bóng đen đại dịch thì con số này vẫn tăng được 18,4%. Kỳ vọng “bật dậy như lò xo nén sau đại dịch”, ở lĩnh vực này, cho đến nay đã chưa thể trở thành hiện thực.

Riết róng thúc chuyển biến cho giải ngân, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 nhấn mạnh đến yêu cầu công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương, địa phương năm 2022 chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/3/2022 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong tháng 5/2022.

Gói hỗ trợ vô giá

Nền kinh tế năm 2021 đã “rơi thẳng đứng” như theo mô tả của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) và với việc năm nay mạnh tay “bơm tiền” đầu tư công được coi là giải pháp nhanh nhất kéo GDP khỏi đáy suy giảm. Kỳ vọng là vậy, nhưng qua 1/3 chặng đường của năm, đầu tư công vẫn không thể bước qua được “lời nguyền” có tiền không tiêu được.

Tại Phiên giải trình do Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tổ chức vào cuối tháng trước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu lên thực tế giật mình là đến nay, việc điều hòa vốn giữa nguồn lực đầu tư công với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ được khoảng 18.000 tỷ đồng, trong khi, nếu theo đúng yêu cầu giải ngân, thì phải điều hòa được 102.000 tỷ đồng đưa vào trong năm 2022.

Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/5/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu lại con số 18.000 tỷ đồng này cùng bình luận “... Cơ chế chính sách đặc thù Quốc hội cũng đã cho hết rồi, vì sao vẫn chậm? Chính phủ phải giải trình kỹ trước Quốc hội”.

Rõ ràng, dòng tiền đang chảy rất chậm. Trong bối cảnh như vậy, khí thế sôi nổi của toàn dân trở thành gói “hỗ trợ”có giá trị không gì đo đếm được. Cũng trong khí thế sôi nổi như vậy, không thể không kể đến sự mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 4/2022, cả nước có 15.000 doanh nghiệp được thành lập mới, góp sức cho đội quân tham gia thị trường trong tháng 4 trở nên nhiều gấp hơn 2 lần so đội quân rút lui khỏi thị trường. Còn tính trong cả 4 tháng đầu năm 2022, “khai sinh” vẫn nhiều hơn “khai tử” khi tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 80,5 nghìn, số rút lui khỏi thị trường là 61,6 nghìn doanh nghiệp.