Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình đổi mới GDPT, do Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông tổ chức ngày 2/11.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Hiển - Chủ tịch quỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, đổi mới GDPT đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Đối mới GDPT là sự kết hợp tổng thể từ đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học đến cơ chế quản lý nhằm phát huy vai trò chủ động, tự chủ của nhà trường, giáo viên và học sinh.
Theo ông Hiển, đây là công việc rất nhiều thách thức nhưng không thể không làm. Trong đó quan trọng nhất là đổi mới về cơ chế quản lý giáo dục và giao quyền tự chủ. Hai việc này phải làm bài bản, căn cơ và lâu dài. Trong đổi mới cơ chế quản lý, ông Hiển cho rằng quan trọng nhất là tạo ra môi trường dân chủ phân cấp, phân quyền để phát huy vai trò chủ động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Đối với vấn đề giao quyền tự chủ, phải tạo điều kiện cho các trường hoạt động cũng như tập huấn về năng lực thực hiện. “Giao quyền tự chủ mà không có năng lực thực hiện thì không thể làm được. Cùng với đó cũng cần giảm bớt các thủ tục hành chính để tập trung cho chuyên môn, tăng cường giám sát, điều chỉnh trong quá trình thực hiện, bởi vì không có dân chủ và trách nhiệm giải trình thì không thể hiệu quả được” - ông Hiển nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ đối với GDPT, trong tham luận gửi đến hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cũng cho rằng, khi thực hiện tự chủ, đòi hỏi người đứng đầu nhà trường phải giải quyết tốt bài toán về tài chính.
Trường tự chủ sẽ bị cắt đi một phần kinh phí và phải bù đắp bằng một khoản thu khác của người học. Do đó, nếu không đặt ra trách nhiệm giải trình và bỏ đi việc cần công khai, minh bạch, sẵn sàng chịu trách nhiệm thì tình trạng lạm thu có thể xảy ra và như vậy việc tự chủ sẽ thất bại.
Theo bà Thu Anh, vì phải tự trang trải, đảm bảo chất lượng giáo dục, phải chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính nên trường bắt buộc phải thực hiện công khai, minh bạch và tiết kiệm. Bởi vì, nếu không tiết kiệm sẽ không có dự trữ, sử dụng không khéo sẽ không có kinh phí để chi cho các hoạt động khác.
Chia sẻ kinh nghiệm về phát huy quyền tự chủ về tài chính tại Trường Nguyễn Tất Thành, bà Thu Anh cho biết nhà trường đã thỏa thuận với cha mẹ học sinh để xây dựng mức học phí của từng khối lớp và trình Ban giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phê duyệt. Cùng với đó là quyết định chi trả lương cho giáo viên, nhân viên theo nguyên tắc không cào bằng mà dựa vào năng lực giảng dạy và hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, để việc tự chủ đi vào thực chất hơn, bà Thu Anh cho rằng Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các trường phổ thông được chủ động xây dựng, thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông./.
Mai Đan