Hội thảo khoa học quốc tế là nội dung thuộc chương trình hợp tác giữa UFM và Trường Cao đẳng tài chính miền Nam Lào đã được Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào thống nhất trong Chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính 2 nước Việt Nam - Lào năm 2023.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Kaysone Phomvihane về tài chính - ngân sách
PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng UFM phát biểu khai mạc hội thảo.
Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, sinh viên, học viên đến từ các trường đại học tại Việt Nam và các trường đại học, cao đẳng tại Lào. Căn cứ vào quá trình đánh giá, phản biện, Ban Biên tập đã chọn ra 21 bài tham luận có chất lượng tốt để đưa vào kỷ yếu hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng UFM, nhấn mạnh: “Hội thảo khoa học quốc tế là nội dung thiết thực nhằm kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Lào; đồng thời là dịp để các nhà khoa học, các giảng viên của 2 trường trình bày, chia sẻ quan điểm, nhận định, đánh giá của mình về Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Kaysone Phomvihane, việc vận dụng vào việc xây dựng mối quan hệ keo sơn giữa hai nước và sự phát triển của 2 dân tộc Việt Nam - Lào…”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Sôm Bun In Tha Phat Tha - Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Lào đã bày tỏ niềm vui mừng và tự hào được thay mặt Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Lào, cũng như Trường Cao đẳng tài chính miền Nam Lào phát biểu trước hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Kaysone Phomvihane”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Kaysone Phomvihane về tài chính - ngân sách

ThS. Lăm Pun Đuôn Su Văn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư tưởng Kaysone Phomvihane, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào, trình bày tham luận tại hội thảo.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo lớn trên thế giới, cũng như 3 nước Đông Dương. Người đã tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách chủ động, sáng tạo vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và giúp đỡ sự nghiệp giải phóng của nhân dân các dân tộc Lào. Trong cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 trong giai đoạn từ 1919 - 1969 có hơn 110 bài viết có nội dung liên quan đến đời sống và nhân dân các dân tộc Lào, mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc, giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Suphanuvong” - ông Sôm Bun In Tha Phat Tha cho hay.

Theo ông Sôm Bun In Tha Phat Tha, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Chủ tịch Kaysone Phomvihane là tài sản và kinh nghiệm quý giá đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của hai dân tộc.

Vì vậy, việc tổ chức hội thảo hôm nay rất có ý nghĩa, nhằm làm rõ đặc trưng nổi bật của Người, cùng nghiên cứu cụ thể, làm sâu sắc thêm những giá trị lớn lao của tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Kaysone Phomvihane về tài chính ngân sách và các nội dung liên quan khác. Đồng thời, làm rõ những giá trị tư tưởng của hai lãnh tụ vĩ đại đến sự phát triển của 2 nước Việt Nam - Lào.

Tại hội thảo, một số tham luận tiêu biểu được trình bày như “Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Lào”; “Tư tưởng Kaysone Phomvihane về đổi mới trong lĩnh vực kinh tế hiện nay”; “Tư tưởng Kaysone Phomvihane về mối quan hệ Lào - Việt”; "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tại Việt Nam”; “Vận dụng tư tưởng Kaysone Phomvihane vào quan điểm phát triển kinh tế - xã hội tại nước CHDCND Lào”…