PT

Tỷ phú công nghệ Peter Thiel (phải) và TS. Philipp Rösler (trái), trong cuộc gặp gỡ với các startup Việt tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh: PV

Đây là một trong những kinh nghiệm được tỷ phú công nghệ Peter Thiel, một “huyền thoại” trong giới đầu tư mạo hiểm Mỹ, chia sẻ với các sáng lập viên startup Việt Nam trong cuộc gặp ngày 4/11, tại trụ sở công ty của ông ở Los Angeles (Mỹ).

Chọn đúng thời điểm

Cuộc gặp gỡ nằm trong chuyến đi thăm do Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, chuyên đầu tư chủ yếu vào các starups về công nghệ với sự dẫn đầu của Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ, TS. Philipp Rösler - cựu Phó Thủ tướng Đức và Trần Nhật Khanh - giám đốc đầu tư trẻ nhất của tập đoàn VinaCapital.

Trao đổi với TS. Philipp Rösler và các chủ startups trẻ đến từ Việt Nam, tỷ phú Peter Thiel cho rằng, việc đưa ra lời khuyên trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm hay xây dựng một startup là rất khó vì trong lĩnh vực này, cơ hội chỉ đến một lần. Nếu làm trước đó hay sau đó thì cũng không thành công mà phải chọn được đúng thời điểm chín muồi.

“Khi tôi bắt đầu đầu tư vào Paypal năm 1998, nó là một ý tưởng kết nối thanh toán với tài khoản email và nó rất mới lạ ở thời điểm đó, nhưng hiện tại thì nó không còn gì mới. Vào lúc Paypal bắt đầu, nó phát triển rất nhanh khi chúng tôi tặng mỗi khách hàng mới 10 USD và 10 USD nữa khi họ giới thiệu bạn bè, mức tăng trưởng mỗi tháng tới 7%. Điều quan trọng với thành công của Paypal là ý tưởng cách mạng hoá việc thanh toán và thành công của startup là làm việc người khác đang không làm” - ông Peter Thiel khẳng định.

Như đã viết trong cuốn sách nổi tiếng "Từ 0 đến 1" của mình, tỷ phú Peter Thiel khẳng định có 3 điều ông sẽ chọn ở một startup để đầu tư là: nhà sáng lập; mô hình kinh doanh; và các lợi thế có thể dẫn đến việc độc quyền. Điều tuyệt vời với một công ty công nghệ là có ý tưởng thật hay, công nghệ tốt, và mở rộng một cách nhanh chóng. Như vậy sẽ rất khó để các đối thủ bắt kịp.

24
Ông Peter Thiel trao đổi cùng các thành viên trong đoàn

Với thị trường hiện tại, ông nhận xét các startup lại đang bắt đầu mở rộng quá nhanh chóng. “Tôi nghĩ không nên tập trung 100% vào việc mở rộng mà nên phân bổ 20% còn lại vào mô hình kinh doanh có lời. Đây là lý do Softbank đang gặp một số vấn đề, không nên tập trung hoàn toàn vào mở rộng mà quên đi các khía cạnh khác”.

Khó khăn hiện tại của tỷ phú công nghệ quyền lực này, người được biệt danh là “Midas” trong giới đầu tư công nghệ này là tìm công ty để đầu tư vì ông cho rằng, các startup về công nghệ liên quan đến khách hàng (B2C) đã đến điểm bão hoà và rất khó để startup mới tìm ý tưởng mới để triển khai.

Đưa startup Việt Nam ra "biển lớn"

Với Việt Nam, ông cho rằng đây là thị trường có những điểm tương đồng như một số nước châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, khi mọi người có xu hướng cạnh tranh nhau ngay từ lúc đi học, đến lúc thi cử, đi làm… mà ít có xu hướng tìm sự khác biệt. Nếu muốn xây dựng được một startup thành công thì chắc chắn phải làm khác mọi người.

“Tôi chưa có cơ hội đầu tư ở Đông Á và Việt Nam. Tôi thấy sự cạnh tranh ở đây tạo ra một bí ẩn về việc cách doanh nghiệp bản xứ làm thế nào để thành công khi xu hướng cạnh tranh lẫn nhau lớn như vậy” - ông nói.

TK
Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ VinaCapital Ventures (phải), chia sẻ về mục đích chuyến đi.


Theo ông Trần Nhật Khanh - Giám đốc Quỹ VinaCapital Ventures, đây là chuyến đi đầu tiên do VinaCapital Ventures tổ chức, dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với mục đích giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trẻ của Việt Nam với “biển lớn”, học hỏi kinh nghiệm, phát triển ý tưởng, mở rộng quan hệ, xây dựng mối liên kết với các thị trường phát triển cũng như các thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Với đà phát triển hiện nay, ông Khanh tin rằng sẽ có nhiều chuyến đi tương tự hàng năm giúp các nhà khởi nghiệp trên tiếp cận các cơ hội, các xu hướng phát triển của thế giới.

Tham gia chuyến đi là các nhà sáng lập và điều hành các startup công nghệ Việt đang thu hút nhiều triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước như CEO ứng dụng gọi xe Fastgo Nguyễn Hữu Tuất, CEO 9x của Logivan (ứng dụng thuê xe chở hàng) Phạm Thị Khánh Linh, nhà sáng lập và chủ tịch iSofH (chuyên giải pháp công nghệ trong lĩnh vực y tế) Tạ Thị Vân Anh, đồng sáng lập Ecomobi Nguyễn Xuân Đông, nhà sáng lập Instant.vn (ứng dụng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ) Tô Thành Công, các nhà quản lý của Rever (công nghệ trong lĩnh vực bất động sản)….

Sau ngày làm việc đầu tiên này, ông Trần Nhật Khanh cho biết đoàn sẽ tiếp tục đến Silicon Valley và có các cuộc gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn tại đây như Apple, Google, Facebook, Uber, Saleforces, Khosla Ventures… Đoàn cũng sẽ gặp gỡ hiệp hội các doanh nghiệp công nghệ Đức, các doanh nghiệp Việt Nam tại Silicon Valley. Ngoài ra, trong chuyến đi đoàn sẽ đến thăm trụ sở Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0…

la
Tỷ phú Peter Thiel chào đón các d oanh nghiệp, nhà quản lý của VinaCapital Ventures đến thăm trụ sở tập đoàn.

Hoàng Yến