Bổ sung công cụ về quản lý giá thuốc
Trong đó, về phát triển công nghiệp dược, dự thảo luật đã đưa ra một số chính sách mới đột phá, như xác định lĩnh vực nào cần ưu tiên, mức ưu đãi đầu tư, mở rộng phạm vi phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt, dự thảo luật có quy định ưu đãi đối với dự án có quy mô 3.000 tỷ đồng và mức giải ngân trên 1.000 tỷ đồng, đây là mức khác biệt lớn so với Luật Đầu tư. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung trong báo cáo giải trình, làm rõ cơ sở xác định quy mô đầu tư để được hưởng chính sách ưu đãi, tính khả thi của chính sách.
Đối với vấn đề cấp giấy phép lưu hành thuốc, phải làm rõ quan hệ sở hữu, quản lý, vận hành, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý giữa doanh nghiệp, tổ chức chuỗi nhà thuốc tại khoản 49 Điều 2 các nhà thuốc trong chuỗi tại điểm b và c khoản 2 Điều 47, vì liên quan đến nhượng quyền, cấp phép, bán trực tuyến.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp |
Về nguy cơ mất cân đối thị trường phân phối thuốc, ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của các đơn vị kinh doanh nhỏ, nguy cơ bán chuỗi cho nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thận trọng khi quy định kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Liên quan đến giá thuốc, điểm mới của dự thảo lần này là vấn đề kiểm soát giá bán buôn. Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, không làm ảnh hưởng đến việc mua thuốc của cơ sở y tế, nhất là phải rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá và của cơ quan quản lý cảnh báo về giá bán thuốc.
Làm rõ về một số vấn đề được Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế là cơ quan chủ trì trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Dược.
Tại dự thảo Luật lần này, có các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc. Theo Luật Giá 2023, những hàng hóa, sản phẩm đặc thù thì được xem xét và quản lý theo các luật chuyên ngành. Do thuốc là loại sản phẩm rất đặc thù, nên Bộ Tài chính cho rằng việc đưa các quy định về quản lý nhà nước về giá thuốc vào Luật Dược là phù hợp. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định tại Luật Dược này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay.
Để quản lý giá, điểm mới của Luật Dược lần này bổ sung một công cụ quản lý giá, đó là việc công bố giá bán buôn thuốc dự kiến. Công cụ quản lý này không có trong Luật Giá mà chỉ quy định trong Luật Dược. Theo đại diện Bộ Tài chính, cần làm rõ sự cần thiết cũng như nguyên tắc, quá trình triển khai thực hiện quy định về công bố lại giá thuốc để việc thực thi đảm bảo phát huy tác dụng của công cụ quản lý mới, phù hợp với yêu cầu của quản lý giá đối với mặt hàng thuốc, dược phẩm.
Làm rõ cơ sở xác định dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt
Đối với các chính sách ưu đãi đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, các chính sách về thuế, phí, lệ phí được quy định và thực hiện theo các luật về thuế. Các tiêu chuẩn ưu đãi về đầu tư thì áp dụng theo các luật về đầu tư. Nếu đưa ra các quy định khác ở trong luật này sẽ ảnh hưởng đến sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại phiên họp. |
Điều 8 của dự thảo Luật có quy định về việc áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt với một số dự án trong lĩnh vực dược có quy mô 3.000 tỷ đồng và thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, khi lấy ý kiến thành viên Chính phủ thì nội dung này chưa có. |
Phát biểu về nội dung ưu đãi đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện nay chế định ưu đãi đầu tư đặc biệt quy định ở Điều 20 Luật Đầu tư áp dụng cho quy mô là 30.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng. Nội dung này xuất phát từ chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 50. Theo đó, Bộ Chính trị chỉ đạo cần phải có một cơ chế, chính sách ưu đãi, thật vượt trội, thật đặc thù để thu hút những dự án có tính lan tỏa lớn trong nền kinh tế, có quy mô lớn. Đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong nước vào các lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) và đổi mới sáng tạo.
Theo quy định hiện nay, dược phẩm là ngành được ưu đãi đặc biệt khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp dược còn phải nhìn từ rất nhiều khía cạnh khác nhau, từ phát triển nguồn nguyên liệu; trình tự, thủ tục tiếp cận đất đai; đóng gói, thành phẩm…
Đồng tình với quan điểm phải có ưu đãi cho ngành dược, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý phải làm rõ cách tiếp cận ưu đãi thế nào, quy mô ưu đãi ra sao để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tránh việc nguồn lực bỏ ra nhiều nhưng mức độ ưu đãi không như mong muốn.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, UBTVQH nhất trí cao về chủ trương quy định lĩnh vực, quy mô áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển mạnh mẽ công nghiệp dược, làm thay đổi tỷ trọng về thuốc trong nước trên thị trường thuốc.
Tuy nhiên, cần làm rõ cơ sở các quy định về chính sách ưu đãi từ quy định về thủ tục hành chính cho đến các chính sách ưu đãi, quy mô, chính sách và Quỹ phát triển khoa học công nghệ để phục vụ cho hoạt động của lĩnh vực dược. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế chủ trì phối hợp, đánh giá kỹ các tác động, tính khả thi và đảm bảo tính phù hợp với hệ thống pháp luật về đầu tư.
Về quản lý giá thuốc, trong đó có thủ tục công bố, công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, cần bảo đảm được mục tiêu quản lý nhà nước, song không làm tăng gánh nặng cho các cơ sở kinh doanh và rà soát tính đồng bộ giữa quản lý giá thuốc với các luật khác, trong đó có Luật Giá, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.