Hệ thống Kho dữ liệu thu - chi ngân sách nhà nước được vận hành ổn định, đảm bảo an toàn

Hệ thống Kho dữ liệu thu - chi ngân sách nhà nước được vận hành ổn định, đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Ảnh: Đức Minh

Nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính và đã phát huy hiệu quả trong quá trình khai thác, sử dụng.

Đưa trí tuệ nhân tạo vào dự báo, quản lý rủi ro

Theo ông Bùi Tiến Sỹ - Trưởng phòng Thống kê, Cục Tin học và Thống kê tài chính (TH&TKTC), Bộ Tài chính, thời gian qua, ngành Tài chính đã luôn chủ động trong việc tiếp cận các nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ và triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.

Đặc biệt Bộ Tài chính đã và đang triển khai các nội dung về xây dựng kiến trúc CSDL quốc gia về tài chính theo Quyết định số 585/QĐ-BTC năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Để triển khai CSDL quốc gia về tài chính, Bộ Tài chính đã đưa ra lộ trình, cùng các mục tiêu chính dựa trên các nhóm yếu tố chính về nhân sự, dữ liệu, công nghệ và cơ chế.

Mô hình kiến trúc tổng thể của CSDL quốc gia về tài chính bao gồm các lớp thực hiện các chức năng từ việc cung cấp dữ liệu nguồn, tích hợp, thu nhận, chuẩn hóa, lưu trữ, phân tích, trực quan hóa dữ liệu tổng hợp từ các nguồn, đến việc phân phối sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, an toàn, kiểm soát chất lượng và thống nhất của dữ liệu.

Theo Cục TH&TKTC, hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai giai đoạn 1 (từ năm 2019 - 2022), tập trung vào thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu có cấu trúc gồm dữ liệu từ các CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính; dữ liệu từ các bộ, ngành, địa phương,... Cụ thể, Bộ Tài chính đang thử nghiệm áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong lĩnh vực thuế và hải quan để giải quyết các bài toán nghiệp vụ phức tạp như quản lý rủi ro, chống gian lận thuế... Từ đó đúc rút kinh nghiệm triển khai, phát triển nguồn nhân lực để sẵn sàng áp dụng trong tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Tài chính.

Vận hành, kết nối và sử dụng hiệu quả

Theo Cục TH&TKTC, triển khai Đề án xây dựng CSDL quốc gia về tài chính được phê duyệt theo quyết định số 2575/QĐ-BTC năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đến nay đã có 6 CSDL chuyên ngành hoàn thành xây dựng, đưa vào triển khai và phát huy hiệu quả nhất định, gồm: CSDL quản lý kho bạc; CSDL quản lý hải quan; CSDL quản lý thuế; CSDL quản lý chứng khoán; CSDL quản lý giá; CSDL thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong đó, CSDL thu - chi NSNN là hệ thống kho dữ liệu (Data warehouse) nhằm chuẩn hóa dữ liệu từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, linh hoạt trong quá trình lựa chọn phương thức khai thác báo cáo phân tích. Hiện tại hệ thống tổng hợp gần 200 báo cáo tĩnh, 50 dạng báo cáo đồ họa (báo cáo biểu đồ, bản đồ) và triển khai các công cụ báo cáo thông minh, cung cấp các báo cáo đồ họa, báo cáo động, báo cáo trên thiết bị di động,… Đồng thời, có khả năng mở rộng, nâng cấp, phát triển, tích hợp, chia sẻ với các CSDL khác, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng CSDL tổng hợp về tài chính.

Kho dữ liệu thu - chi NSNN có phạm vi kết nối, chia sẻ và cấp quyền khai thác cho 1.800 tài khoản. Dự kiến trong năm 2021, sẽ triển khai tiếp cho trên 400 chi cục thuế; đồng thời sẽ tiếp tục tích hợp dữ liệu kế hoạch vốn đầu tư công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và dữ liệu về quản lý vốn đầu tư của Kho bạc Nhà nước để tổng hợp, cung cấp các báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư, vốn ODA.

Theo đại diện Cục TH&TKTC đánh giá, đến nay, hệ thống vận hành ổn định, đảm bảo an toàn an ninh thông tin; hệ thống đáp ứng yêu cầu về quản lý, khai thác, sử dụng thông tin về NSNN phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính và cơ quan tài chính các cấp, phổ biến thông tin về NSNN theo quy định bằng công cụ hỗ trợ khai thác, phân tích dữ liệu, cung cấp những báo cáo từ khâu lập dự toán, chấp hành, quyết toán, công khai ngân sách; giúp giảm thiểu thời gian, nguồn lực thực hiện công tác tổng hợp báo cáo.

Còn về CSDL chuyên ngành quản lý thuế được Tổng cục Thuế xây dựng theo công nghệ Kho dữ liệu - Data Warehouse hỗ trợ công tác nghiệp vụ, công tác quản lý thuế, công tác chỉ đạo/điều hành và ra quyết định.

Đến nay, hệ thống đã phân quyền cho hơn cho 2.578 người sử dụng tại 63 cục thuế và Tổng cục Thuế để tham gia hệ thống. Trong đó đã có hơn 73.993 lượt báo cáo đã được khai thác phục vụ các công việc liên quan. Việc sử dụng CSDL chuyên ngành quản lý thuế đã góp phần hỗ trợ công tác khai thác số liệu phục vụ quản lý thuế cũng như giảm áp lực lên hệ thống tác nghiệp trong việc lấy báo cáo, dữ liệu phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, cung cấp thông tin cho các đơn vị bên ngoài thông qua cổng cung cấp thông tin về đăng ký thuế, nghĩa vụ kê khai, số thuế qua Cổng thông tin ngành Thuế.

Cơ sở dữ liệu kho bạc đã hoàn thành xây dựng và triển khai rộng

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành quản lý kho bạc đã hoàn thành xây dựng và triển khai rộng trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước từ tháng 11/2018. Số lượng báo cáo được khai thác nhiều, trung bình hàng ngày có khoảng hơn 900 người sử dụng là cán bộ kế toán, kiểm soát chi vào khai thác báo cáo; số lượng báo cáo khai thác trung bình 1 ngày khoảng 20.000 đến 30.000 báo cáo, ngày cao điểm lên đến hơn 62.000 báo cáo. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành quản lý kho bạc đưa vào sử dụng góp phần giảm áp lực cho các hệ thống tác nghiệp, đặc biệt là hệ thống TABMIS vào thời điểm cuối năm; cung cấp số liệu về tình hình thu - chi ngân sách nhà nước gần như tức thời phục vụ cho việc điều hành ngân sách hàng ngày và đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Đức Minh