Phân bón

Khách hàng quan tâm đến sản phẩm phân bón hữu cơ được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: NNK

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - (NN&PTNT) đã cho biết như vậy khi trả lời báo chí bên lề hội nghị thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 28/8/2019, tại Hà Nội.

*PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào sau 2 năm Bộ NN&PTNT thực hiện chủ trương của Chính phủ, phát động phong trào thực hiện định hướng sản xuất hữu cơ, cụ thể là ứng dụng phân hữu cơ vào sản xuất?

- Ông Nguyễn Xuân Cường: Sau 2 năm thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc sản xuất ứng dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp, đến nay đã đạt một số kết quả ban đầu. Cụ thể, Việt Nam đã có trên 2.000 sản phẩm phân bón hữu cơ, chiếm tỷ lệ 11,6% (cách đây 2 năm, tỷ lệ dưới 5%). Như vậy, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành đã tăng lên nhanh. Cả nước có 265/838 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm tỷ lệ 31,6% số nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. Công suất sản xuất phân bón hữu cơ thực tế cũng đã tăng lên rõ rệt và có xu hướng tăng nhanh chóng trong thời gian tới. Hiện nay, công suất các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đạt 3,47 triệu tấn/năm, tăng 1,4 lần so với thời điểm tháng 12/2017. Dự kiến công suất sẽ đạt 4 triệu tấn/năm đến năm 2020.

Trong lĩnh vực ứng dụng, tất cả 63 tỉnh thành và các ngành hàng trồng trọt đều ứng dụng đưa phân hữu cơ vào sản xuất ở các cấp độ từ quy mô hộ, hợp tác xã, DN…

Cường

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Tóm lại, chúng ta đã chuyển một bước rất quan trọng về nhận thức, với chương trình hành động từ ba khu vực. Khu vực Chính phủ đã hoàn thiện được bộ thiết chế hạ tầng bao gồm Luật Trồng trọt, Nghị định 109/2018/NĐ-CP, Nghị định 57/2018/NĐ-CP… tất cả đều định hướng rất rõ và khuyến khích phát triển ứng dụng phân bón hữu cơ.

Bên cạnh đó, các DN ủng hộ chủ trương chung của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, cho nên trong thời gian ngắn đã có công suất sản xuất phân hữu cơ rất lớn. Cùng với đó là sự ủng hộ của người nông dân. Đây là thành công bước đầu, là nền tảng của việc đưa phân bón hữu cơ vào canh tác sạch, trở thành một yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới.

* PV: Bên cạnh kết quả đạt được, ngành phân bón hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế để có thể phát triển bền vững. Theo ông, đó là những tồn tại gì?

- Ông Nguyễn Xuân Cường: Dù đạt kết quả nền tảng bước đầu nhưng sản xuất phân bón hữu cơ vẫn còn bất cập. Trước tiên, do thời gian quá ngắn nên tổng sản lượng công suất hiện nay mới đạt 3,5 triệu tấn, sức sản xuất cụ thể đạt xấp xỉ 2 triệu tấn so với nhu cầu của 15 triệu ha đất canh tác cây trồng của Việt Nam - sản lượng này là thấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước như bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra chất lượng phân bón còn chưa đầy đủ; cơ chế chính sách chưa đủ rõ để khuyến khích các DN, người nông dân đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ. Việc xây dựng mô hình để khuyến nghị nhân dân tập trung vào sản xuất hữu cơ chưa đại trà. Đây là những tồn tại mà tới đây chúng ta cần tập trung giải quyết.

* PV: Việt Nam đặt mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020. Vậy, thời gian tới cần có giải pháp quan trọng gì để thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ, thưa ông?

- Ông Nguyễn Xuân Cường: Giải pháp trong thời gian tới là xác định sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam và tập trung vào 3 khu vực. Thứ nhất, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về phân bón hữu cơ bằng cách cụ thể hóa Luật Trồng trọt, Nghị định 109/2018/NĐ-CP về quản lý phân bón, Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Chúng tôi khuyến nghị đây là một cơ hội rất tốt để DN tổ chức sản xuất, tham gia đầu tư bởi Việt Nam có 15 triệu ha canh tác hàng năm với nhu cầu bình quân khoảng 80 triệu tấn phân hữu cơ cho 15 triệu ha đất, rõ ràng đây là dự địa rất lớn…Cơ hội nữa cho các DN khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này là năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 100.000 tấn phân bón đến 35 nước trên thế giới. Như vậy, hướng sản xuất phân hữu cơ là một trong những tiềm năng lớn mà DN nên nhắm đích vào. Cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách, thể chế hóa các nghị định và có những chính sách khuyến khích để các DN vào cuộc sản xuất nhiều hơn, giá thành hạ hơn thì sẽ lan tỏa đến người nông dân.

Đối với khu vực sản xuất, chúng tôi đề nghị các tỉnh thực hiện Luật Trồng trọt, Nghị định 109/2018/NĐ-CP, Nghị định 57/2018/NĐ-CP… Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền tới các đối tượng trồng trọt (người dân, hợp tác xã, DN sản xuất hữu cơ), đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu, đảm bảo chuỗi giá trị gia tăng. Điều quan trọng là tạo tiền đề xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững, phục vụ cho 100 triệu người dân Việt Nam và tiếp tục duy trì đà xuất khẩu.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Giai đoạn 2015 - 2018, xuất khẩu phân bón hữu cơ với khối lượng tăng mạnh. Năm 2018, đạt trên 86 nghìn tấn (tăng hơn 7 lần so với năm 2015 và tăng 13,5% so với năm 2017). Phân bón hữu cơ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 35 quốc gia khác nhau. Năm 2018, có 24 DN tham gia xuất khẩu phân bón hữu cơ, tăng 26% so với năm 2017, đồng thời có 48 loại sản phẩm phân bón hữu cơ được xuất khẩu.

Khánh Linh (ghi)