Ngày 10/6, tại Hà Nội, Viên Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) đã công bố báo cáo nghiên cứu Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, trong đó đưa ra những đánh giá lạc quan về tăng năng suất lao động của Việt Nam.
Theo ICAEW, lao động ở Đông Nam Á nhìn chung đã có một thành tích khá ấn tượng, với năng suất tăng 3% mỗi năm kể từ năm 2000 đến năm 2015.
Con số này đã vượt qua tốc độ tăng trưởng 2% hàng năm của Mỹ Latinh và 1,44% của châu Phi.
Bà Priyanka Kishore- Cố vấn kinh tế ICAEW cho biết, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng trưởng một cách ấn tượng 4% trong 15 năm qua và sẽ đẩy nhanh tới 5% trong 5 năm tiếp theo, bỏ xa các nước láng giềng. Điều này sẽ được hỗ trợ bởi sự chuyển đổi ngành, đô thị hóa và số lượng ngày càng tăng cao của nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động chính.
Tuy nhiên, bà Priyanka Kishore cũng cho hay, sự tăng trưởng năng suất thuần tính riêng cho từng ngành của Việt Nam lại xếp dưới 6 nước láng giềng Đông Nam Á. Điều này thúc đẩy Việt Nam đầu tư vào các biện pháp cải thiện năng suất giúp nâng cao hiệu suất của mỗi người lao động.
Đề cập đến giải pháp tăng năng suất lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, T.S Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh việc phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang những lĩnh vực có năng suất lao động cao hơn để duy trì tăng trưởng năng suất lao động, đồng thời nâng cao trình độ tay nghề của cá nhận người lao động.
Theo ICAEW, đào tạo, phát triển và nâng cấp kỹ năng cần phải đóng một vai trò thiết yếu nếu Việt Nam muốn duy trì con đường phát triển của mình cũng như cải thiện năng suất và khả năng làm việc của lực lượng lao động.
Khi nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đa dạng hóa, sẽ cần có một lực lượng lao động có tay nghề cao và một phần trong số đó đã tiến gần hơn đến một tiêu chuẩn toàn cầu về kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh và đổi mới./.
Hải Anh