Dự án điện gió Phú Lạc - Bình Thuận, một trong những dự án của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
* PV: Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ hơn 40 năm qua. Xin ngài cho biết kết quả hợp tác song phương mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược?
- Phó Đại sứ Wolfgang Manig: Về chính trị, Việt Nam vẫn luôn là một đối tác rất quan trọng của Đức. Điều đó được thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao trong thời gian qua. Năm 2016, không chỉ các đại diện của chính giới Đức, như Chủ tịch Đoàn nghị sĩ của Đảng Dân chủ xã hội Đức SPD, mà cả đại diện cao nhất của Giáo hội công giáo Đức là Hồng y giáo chủ Marx cũng đã sang thăm Việt Nam. Đặc biệt sẽ là chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức vào cuối năm nay.
Trao đổi thương mại giữa Đức và Việt Nam đạt được đỉnh cao mới. Với kim ngạch thương mại đạt mốc gần 10,3 tỷ Euro, Đức vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Việt Nam cũng tăng 22%. Đức là nước xuất siêu lớn nhất thế giới, nhưng trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì ngược lại. Trong số hơn 10,3 tỷ Euro giao thương nêu trên, phần xuất khẩu của Việt Nam sang Đức chiếm khoảng 8 tỷ Euro. Hiện tại, Đức và Việt Nam đang đàm phán để thành lập một phòng thương mại song phương toàn diện tại Việt Nam, để thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại song phương giữa hai nước.
Một thành phần quan trọng nữa của quan hệ giữa Đức và Việt Nam là lĩnh vực hợp tác phát triển. Những năm gần đây, khoản hợp tác phát triển Đức cam kết tài trợ cho Việt Nam luôn giữ ở mức ổn định khoảng 200 triệu Euro cho mỗi đợt (2 năm).
* PV: Tính đến nay, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Đức tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,5 tỷ USD, còn rất khiêm tốn so với các quốc gia khác có đầu tư tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngài có nhận định gì về vấn đề này?
|
- Phó Đại sứ Wolfgang Manig: Chúng tôi quan tâm tới chất lượng đầu tư hơn là số lượng đầu tư. Giới DN Đức thường cân nhắc rất kỹ khi quyết định đầu tư ra nước ngoài và một khi họ đã đầu tư tại quốc gia nào thì sẽ đầu tư lâu dài chứ không phải chớp nhoáng.
Hơn nữa, những DN Đức đầu tư sang Việt Nam phần lớn là những DN vừa và nhỏ, là những DN rất năng động với những công nghệ mới, cực kỳ tiên tiến. Đó là điều mà Việt Nam cần hướng tới.
* PV: Xin ngài cho biết giới DN Đức đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam? Điều gì cần cải thiện để thu hút nhiều DN Đức hơn nữa sang thị trường Việt Nam?
- Phó Đại sứ Wolfgang Manig: Hiện tại, môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn còn một số trở ngại trong điều kiện khung, tạo “băn khoăn” cho các nhà đầu tư lớn của Đức, đặc biệt là sự an tâm về pháp lý. Theo ghi nhận, các DN Đức tại Việt Nam phản ánh thường gặp khó khăn tại các tòa án cấp tỉnh đối với những tranh chấp. Các tòa địa phương còn, trì trệ, chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của kinh tế.
Nếu có được nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, nhất là tại các tỉnh thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn.
* PV: Ngài có thể cho biết những ưu tiên hợp tác phía Đức dành cho Việt Nam trong năm 2016 là gì?
- Phó Đại sứ Wolfgang Manig: Năm ngoái Đức đã cam kết sẽ dành 220 triệu Euro cho hợp tác phát triển với Việt Nam trong 2 năm 2016 - 2017. Những khoản tài trợ này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là năng lượng, môi trường, đào tạo nghề. Đức cam kết giúp Việt Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đầy kỳ vọng.
Về năng lượng, hợp tác của Đức giúp Việt Nam khai thác mạnh mẽ năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Một trong số đó là dự án điện gió Phú Lạc (Bình Thuận) dự kiến tháng 11 năm nay sẽ khai trương và hòa vào điện lưới quốc gia.
Một lĩnh vực tôi rất mong muốn thúc đẩy, đưa vào quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là lĩnh vực đào tạo nghề - một lĩnh vực mà nước Đức có thế mạnh. Hệ thống đào tạo nghề hiện nay của Việt Nam không bám sát nhu cầu của thị trường nên nhiều người được đào tạo dù học giỏi nhưng ra trường vẫn không kiếm được việc làm. Nếu Việt Nam muốn tiếp tục phát triển nền kinh tế của mình và muốn đóng vai trò trong trục công nghệ của khu vực và thế giới thì rất cần lao động trình độ cao.
* PV: Xin cảm ơn ngài!
Luyện Vũ (thực hiện)