Chính phủ Úc rất quan tâm đến đầu tư tài chính tại Việt Nam
Hợp tác kinh tế - tài chính giữa Việt Nam- Úc trong thời gian qua, thông qua các công cụ như các hiệp định thương mại tự do, biên bản ghi nhớ, các cam kết và sáng kiến song phương, khu vực, đa phương, đã tác động toàn diện đến các kênh trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.
![]() |
Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Úc làm việc và ký kết Biên bản hợp tác tài chính cấp Bộ giai đoạn 2024-2028, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Úc (tháng 3/2024). |
Úc luôn cho thấy sự coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại gần đây tại khu vực Đông Nam Á, thể hiện qua việc hai nước nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024 và Úc công bố chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040. |
Trong đó, tăng trưởng thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Úc đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Úc tăng trung bình 13,23%/năm trong giai đoạn 2019-2023, đạt mức 14,1 tỷ USD trong năm 2024, hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, Việt Nam chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu với Úc kể từ năm 2021.
Việc chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu với Úc có tác động tới cán cân thương mại chung của Việt Nam, gây áp lực lên dự trữ ngoại tệ. Song việc nhập khẩu gia tăng cũng cho thấy nhu cầu nội địa về nguyên liệu thô để thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế trong nước đang tăng.
Về đầu tư, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các điểm đến của FDI Úc tại khu vực ASEAN (sau Singapore, Malaysia, và Indonesia) nhưng giá trị đầu tư còn hạn chế. Việt Nam chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư mới từ Úc khi lượng vốn đầu tư tăng thêm trung bình hàng năm vẫn phụ thuộc khoảng một nửa từ việc mở rộng đầu tư của các dự án đã có tại Việt Nam.
Lượng vốn đầu tư từ Úc tập trung nhiều nhất trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (47,2%). Xét theo cơ cấu dự án đầu tư, các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Úc tại Việt Nam lại là các lĩnh vực dịch vụ, thường có quy mô nhỏ về lao động (như giáo dục và đào tạo, vận tải-khách sạn-giải trí, chuyên môn, nông nghiệp,…).
Bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết dịch vụ tài chính, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đã có tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam và Úc trong thời gian qua.
Chính phủ Úc đang rất quan tâm đến đầu tư tài chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với các ngành dịch vụ khác, đầu tư dịch vụ tài chính của Úc vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có nhiều công ty tài chính của Úc đầu tư vào thị trường.
Tận dụng cơ hội và dư địa để tăng cường hợp tác
Phân tích hiệu ứng của các cam kết thuế nhập khẩu tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA), có thể nhận thấy cả cam kết thuế nhập khẩu tại CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và AANZFTA (Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand) đều có các hiệu ứng tích cực đến dòng thương mại.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu khai thác tốt hơn thị trường Úc, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tuy nhiên vẫn đối mặt với các thách thức cho nhiều ngành công nghiệp non trẻ của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, hải sản, dệt may và nông sản được hưởng lợi lớn từ các ưu đãi thuế quan, có sự gia tăng đáng kể về khối lượng xuất khẩu sang Úc như: ngành nông sản và thủy sản; dệt may và da giày.
![]() |
Đối thoại chính sách tài chính Việt Nam - Úc năm 2024. |
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Việt Nam và Úc cần tăng cường các biện pháp để nhằm giải quyết các thách thức nhằm tận dụng cơ hội và dư địa tăng cường tương xứng với vị thế quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới.
Trong đó, cần nâng cao thực thi và tận dụng hiệu quả các FTA (CPTPP, RCEP- Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, AANZFTA), đa dạng hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho thị trường nội địa và doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong thu hút đầu tư dịch vụ tài chính mà Úc có thế mạnh, tận dụng cam kết của Chính phủ Úc về tăng cường sự tham gia của các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí Úc.
Nâng cao hiệu quả triển khai và sử dụng các nguồn viện trợ ODA, đặc biệt rà soát các lĩnh vực tài chính đề xuất hỗ trợ mới trong khuôn khổ Kế hoạch hợp tác phát triển Việt Nam - Úc (DPP). Đồng thời, chọn lọc tham gia đàm phán các khuôn khổ sáng kiến mới với các thách thức chung của thế giới và khu vực./.
Úc là một trong những nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và duy trì hỗ trợ phát triển trung bình hơn 80 triệu AUD/năm, riêng tài khóa 2022-2023 tăng 18% đạt 92,8 triệu AUD. Năm 2024-2025, Úc đang khởi động và xây dựng Kế hoạch hợp tác phát triển Việt Nam - Úc (DPP), mang tính chiến lược, sẽ định hướng các chương trình ODA song phương nhằm tối đa hóa sự liên kết và phối hợp giữa công cụ ODA và phi ODA. |