Tại hội thảo, Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh Bất động sản Viglacera Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ thế mạnh của các doanh nghiệp Mỹ là sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, công nghệ thông tin, tự động hóa - cũng chính là những lĩnh vực mà Viglacera hướng đến thu hút đầu tư.

Nhờ những thông tin hữu ích trong sự kiện, một doanh nghiệp Hoa Kỳ đã quyết định nghiên cứu đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Hà (Viglacera), tỉnh Phú Thọ. Được biết, đây là vendor (nhà cung cấp) cho Công ty BYD Electronic (International) chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử cho iPad.

Tiếp đó, Công ty Kinh doanh Bất động sản Viglacera phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK), Công ty Tư vấn luật Bae, Kim & Lee LLC tổ chức hội thảo quốc tế “Xu hướng đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” đã diễn ra tại Khách sạn Oakwood Premier COEX, trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Viglacera triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư

Hơn 150 doanh nghiệp tham dự hội thảo xúc tiến đầu tư do Tổng Công ty Viglacera tổ chức.

Hội thảo với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng Hàn Quốc dự định đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.

Đây là một trong những hội thảo xúc tiến đầu tư đầu tiên được tổ chức tại Hàn Quốc sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch, giúp nhà đầu tư sở tại tiếp cận và bắt nhịp xu hướng đầu tư vào Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19. Vì vậy, sự kiện được rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm và nhanh chóng nhận được hàng trăm đăng ký tham dự ngay từ thời điểm công bố thông tin.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP đã đầu tư và kinh doanh 11 KCN tại Việt Nam và 01 khu kinh tế Cuba, thu hút 15 tỷ USD vốn FDI từ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Samsung, Amkor, Hyosung, Anam Electronics, Kortek, Orion, Ottogi,…

Các KCN của Viglacera nằm tại 6 tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam, mang lại lựa chọn đa dạng cho nhà đầu tư, đáp ứng nhu cầu của mỗi doanh nghiệp. Hiện nay, các KCN đều có đất sạch và cơ sở hạ tầng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đón tiếp các doanh nghiệp đến thuê và xây dựng nhà máy.

Đối với việc thúc đẩy thị trường trong nước, vừa qua tại Melia Hồ Tràm - Bà Rịa Vũng Tàu, Viglacera đã tổ chức hội thảo kinh doanh lĩnh vực gạch ốp lát tại thị trường Miền Nam. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn thay đổi không ngừng, hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Những năm gần đây, Viglacera đặc biệt coi trọng công tác phát triển sản phẩm mới nhằm dẫn dắt thị trường, tạo nên xu hướng trong ngành gạch ốp lát. Trung tâm R&D (Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm) của Viglacera được đầu tư về con người với đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong nước và đội ngũ chuyên gia quốc tế đến từ Ý, Tây Ban Nha.

Theo ông Carlo Bandini - Chuyên gia Ý thuộc Trung tâm R&D Viglacera: “Hệ thống sản xuất của Viglacera đã phát triển đủ để tạo ra mọi loại sản phẩm mà thế giới đang có. Những dự án Trung tâm R&D của Viglacera đang nghiên cứu và phát triển sẽ sớm cho ra đời sản phẩm và nó xứng đáng để người tiêu dùng chờ đợi”.

Với chiến lược nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, khẳng định tầm nhìn và định hướng phát triển sản phẩm của Viglacera ở phân khúc cao cấp, Viglacera mua lại Nhà máy Bạch Mã vào năm 2021 và đổi tên thành Nhà máy Gạch Viglacera - Eurotile nâng tổng công suất các nhà máy gạch ốp lát của Viglacera lên 43 triệu m2 sản phẩm/ năm, đặc biệt dòng gạch phẩm cao cấp porcelain chiếm gần 20% thị phần Việt Nam, góp phần thay đổi đáng kể về cơ cấu sản phẩm tại thị trường miền Nam./.