![]() |
Dự báo biến động tỷ giá sẽ còn mạnh trong năm nay. Ảnh tư liệu |
PV: Trước sự biến động khó lường của tỷ giá USD/VND những tháng đầu năm, xin ông cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng những công cụ gì để linh hoạt điều hành tỷ giá?
![]() |
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Hiện chỉ số DXY phản ánh giá trị của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác hiện giảm về khoảng 106 - 107 điểm, sụt giảm so với giai đoạn cao điểm đầu năm từng lên 110 điểm, nhưng vẫn neo ở mức cao. Như vậy, giá trị của đồng USD tăng lên đồng nghĩa với VND giảm giá.
Tỷ giá phản ánh đúng hơn với tín hiệu thị trườngKhi mức dự trữ ngoại hối thấp hơn, như hiện tại Việt Nam chỉ còn khoảng 2,5 tháng nhập khẩu, sẽ tạo ra áp lực lớn lên tỷ giá và tăng rủi ro đối với nền kinh tế. Điều này dẫn đến động thái Ngân hàng Nhà nước thả nổi một phần và không can thiệp thị trường qua việc bán ngoại tệ, để tỷ giá phản ánh đúng hơn với tín hiệu thị trường. |
Dự báo biến động tỷ giá sẽ còn rất mạnh trong năm nay, một phần vì những yếu tố địa chính trị và các chính sách tài khóa, tiền tệ và ngoại thương của Mỹ đang thay đổi khó lường.
Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc tiếp tục kết hợp đồng bộ các công cụ. Một trong số đó là cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, ngân hàng thương mại có thể giao dịch trong biên độ 5%. NHNN cũng điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn thông qua nghiệp vụ trên thị trường mở, mua bán tín phiếu để điều hòa lượng tiền trong lưu thông hợp lý nhằm hạ nhiệt tỷ giá. Tuy nhiên, tất cả các công cụ này đều có hạn chế, nếu sử dụng quá mạnh tay thì "phóng lao phải theo lao" sẽ gây rủi ro, đi ngược lại thị trường.
PV: Những tháng đầu năm, tỷ giá biến động mạnh song nhà điều hành chưa bán ngoại tệ can thiệp để điều tiết thị trường. Ông đánh giá thế nào về những thách thức trong công tác điều hành và duy trì ổn định thị trường ngoại tệ trong năm nay, đặt trong bối cảnh quỹ dự trữ ngoại hối suy giảm do áp lực tỷ giá trong năm 2024?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Nếu NHNN bán nhiều ngoại tệ để điều chỉnh thị trường, quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia có thể bị thiếu hụt. Dự trữ ngoại hối được khuyến nghị giữ ở mức 3 tháng nhập khẩu nhằm đảm bảo theo thông lệ quốc tế, đủ sức chống đỡ các cú sốc ngắn hạn.
Chắc chắn rằng, việc điều hành tỷ giá năm nay sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn. Chưa nhắc đến tác động từ thị trường bên ngoài nhưng hiện tại, nền kinh tế Việt Nam có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng và khiến tỷ giá biến động mạnh. Nền kinh tế Việt Nam nếu muốn tăng trưởng mạnh hơn sẽ phải mở rộng hơn nữa hoạt động ngoại thương trong bối cảnh hiện tại, toàn cầu đang rất nhiều xáo trộn.
Xuất nhập khẩu là một cột trụ của quốc gia, trong khi đó, năm nay Chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ, từ đó, sẽ phải đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, điều này có thể cần thêm ngoại tệ và đẩy tỷ giá lên cao. Cùng với đó, Việt Nam là nền kinh tế mở, với giá trị xuất nhập khẩu gấp 1,5 - 2 lần GDP, điều này khiến nền kinh tế Việt Nam chịu mức độ rủi ro lớn do dựa vào kinh tế thế giới, đặc biệt khi chính sách của Mỹ thay đổi hoặc biến động nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Vì vậy, khi nền kinh tế toàn cầu biến động, tỷ giá cũng chịu ảnh hưởng.
PV: Tỷ giá không chỉ bị chi phối bởi yếu tố nội tại mỗi quốc gia mà ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến động toàn cầu và quốc tế. Ông nhận định thế nào về tác động của chính sách thuế quan của chính quyền Trump 2.0 và các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lên sức mạnh đồng USD, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: FED nhận thấy tỷ lệ lạm phát khó giảm về mục tiêu 2% mà họ đặt ra khi hai tháng đầu năm 2025 lạm phát nhích lên chứ không giảm. Dù trước đây đã có kỳ vọng rằng chính quyền Trump sẽ giúp kiềm chế lạm phát, nhưng thực tế lại không như vậy.
Lạm phát vẫn đang có xu hướng tăng, phần lớn do các yếu tố như: giá xăng dầu, thiếu hụt trứng do dịch cúm gia cầm, giá xăng dầu, giá hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ đều trong xu hướng tăng. Hiện đang ở Mỹ, tôi nhận thấy những chính sách của chính quyền Donald Trump có thể đưa nước Mỹ và thế giới vào một cuộc khủng hoảng sắp tới.
FED hiện vẫn rất cẩn trọng trong việc giảm lãi suất, vì nếu giảm lãi suất lúc này, sẽ giống như "đổ thêm dầu vào lửa", làm lạm phát tăng mạnh hơn. Do đó, FED đang chần chừ trong việc giảm lãi suất và vẫn phải cân nhắc rất kỹ về các quyết định của mình, không loại trừ khả năng có thể tăng lãi suất trở lại thời gian tới, tùy theo tình hình kinh tế.
Còn chính quyền Trump thực sự tạo ra rất nhiều xáo trộn, đặc biệt trong các vấn đề địa chính trị và thuế quan.
Hai tháng sau khi nhậm chức, ông Trump đã ra quyết định ăng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico với mức thuế 25% và với Trung Quốc thêm 10% có hiệu lực ngày 4/3/2025. Những biến cố chính trị trong những ngày vừa qua, cụ thể là từ cuộc gặp gỡ trở thành cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky vào cuối tuần qua tại Nhà Trắng đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực toàn cầu.
PV: Ông cho rằng những chính sách này sẽ tác động như thế nào đến tỷ giá USD/VND và nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Khi chỉ số DXY ở mức cao, đồng USD mạnh lên sẽ tạo sức ép lớn lên các đồng tiền khác, trong đó có VND. Nếu Mỹ duy trì mức lãi suất cao, điều này sẽ làm tăng giá trị đồng USD và tác động trực tiếp đến điều hành chính sách tỷ giá tại Việt Nam. Chính sách thuế quan của chính quyền Trump và các căng thẳng địa chính trị có thể khiến tình hình trở nên khó đoán, khiến tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng trong năm 2025.
Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ, từ thuế quan đến lãi suất, đều có thể đẩy tỷ giá lên mức cao hơn, tạo áp lực cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam nằm trong top 10 nước xuất khẩu lớn vào Mỹ, không loại trừ khả năng Việt Nam cũng ảnh hưởng bởi chính sách này và tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của chúng ta.
Tất cả những chính sách này có thể tạo ra một hiệu ứng làm tăng giá cả tại Mỹ, tạo ra sự bất lợi cho nền kinh tế Mỹ. Cộng với việc FED vẫn giữ lãi suất cao, chỉ số DXY vẫn mạnh, đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên, làm gia tăng áp lực lên tỷ giá. Chính sách của Mỹ và FED có thể khiến đồng USD mạnh hơn, địa chính trị căng thẳng, cuộc chiến thuế quan… tất cả điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá, tạo ra một vòng xoáy khó lường đối với nền kinh tế Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chống đỡ biến động tỷ giáTheo ông Nguyễn Trí Hiếu, để đối phó với biến động tỷ giá và các thách thức toàn cầu hiện nay, Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì chính sách ngoại thương mở rộng, tăng cường xuất khẩu và thu hút ngoại tệ, khi cung ngoại tệ tăng sẽ hạ nhiệt tỷ giá; đồng thời, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, tránh phụ thuộc vào đồng USD. Chúng ta cũng cần phải vận động để có dòng kiều hối mạnh hơn, có lượng dự trữ ngoại hối rất lớn và từ đó sẽ giảm sức ép tỷ giá. Bên cạnh đó, cần thận trọng trong việc quản lý quỹ dự trữ quốc gia và các công cụ điều chỉnh tỷ giá để không bị lâm vào tình trạng mất kiểm soát. "Trong bối cảnh toàn cầu đang rất xáo trộn, nếu Việt Nam không quản lý tốt việc điều hành tỷ giá và dự trữ ngoại hối, sẽ rất dễ bị tổn thương bởi những biến động từ bên ngoài" - ông Hiếu lưu ý. |