Sáng 12/12, tại Hà Nội, khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách và quản lý Thuế, Hải quan, Logistics”.

Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ người nộp thuế

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan cho biết, hoàn thiện chính sách và quản lý thuế, hải quan cùng với phát triển dịch vụ logistics luôn là vấn đề có tính thời sự trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, nhất là đang ở giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế, Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, gắn với quá trình phát triển nền kinh tế số và hội nhập sâu, toàn diện vào nền kinh tế thế giới.

Xây dựng chính sách quản lý thuế, hải quan, logistics thích ứng với nền kinh tế số
TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.
TS. Nguyễn Đình Chiến cho biết, đối với phát triển dịch vụ logistics, mục tiêu cơ bản phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Có thể thấy, các chiến lược, kế hoạch là những định hướng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu, để có những kế sách quan trọng thực hiện các nội dung của chiến lược, các nhiệm vụ của kế hoạch nhằm hoàn thiện chính sách và quản lý thuế, hải quan và phát triển logistics ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tham luận về đẩy mạnh cải cách hành chính thuế ở việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế số, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan cho hay, trong những năm qua, cơ quan thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ người nộp thuế (NNT) thực hiện thủ tục hành chính thuế trên các phương diện. Cụ thể là tích hợp dịch vụ hành chính thuế điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia và dần dần nâng cấp mức độ ứng dụng; phát triển hệ thống thủ tục hành chính thuế điện tử; triển khai hệ thống kê khai, nộp thuế điện tử trên cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; triển khai ứng dụng (App) trên điện thoại thông minh hỗ trợ NNT thu nhập cá nhân (eTax Mobile).

Trong giai đoạn 2016-2022, tỷ lệ thủ tục hành chính thuế đáp ứng yêu cầu điện tử cấp độ 3 và 4 từ 2,5% năm 2016 lên 64,1% năm 2022, cơ quan thuế đã hoàn thành 150% kế hoạch đề ra; với thủ tục hành chính thuế điện tử đối với NNT là doanh nghiệp trên 3 mảng chính là kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử.

Tỷ lệ kê khai thuế điện tử những năm 2018, 2020 và 2021 đạt gần như tuyệt đối với 99,9% và 99,93%. Tỷ lệ số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đã tăng rất nhanh từ 55% năm 2016 lên 97,57% năm 2017 và duy trì tỷ lệ khá cao ở mức 98% đến trên 99% những năm sau đó. Từ năm 2017, cơ quan thuế bắt đầu triển khai hệ thống hoàn thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99% năm 2022…

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Xuân Trường, vẫn còn một số hạn chế, trước hết, kết quả tổng hợp cải cách thủ tục hành chính thuế thể hiện ở mức độ hài lòng của NNT tuy đã ngày một gia tăng, nhưng trong thực tiễn vẫn có những phản hồi không tốt về kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuế.

Xây dựng chính sách quản lý thuế, hải quan, logistics thích ứng với nền kinh tế số
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Vẫn còn một số thủ tục hành chính thuế không thực sự cần thiết, có thể cắt giảm mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý thuế… Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ hiện đại vào hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính thuế vẫn còn chưa phủ khắp các đối tượng và các loại thủ tục hành chính thuế, tiện ích còn hạn chế.

Giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế trong phát triển nền kinh tế số

Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, cần sửa đổi các quy định pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan nhằm cắt giảm và hợp lý hóa thủ tục hành chính thuế.

Đồng thời, đa dạng hóa các phương thức và công cụ điện tử hỗ trợ thủ tục hành chính thuế; mở rộng và nâng cao chất lượng các tiện ích của các phần mềm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính thuế điện tử. Cụ thể, sắp xếp lại các giao diện và tiện ích ở các phần mềm hỗ trợ kê khai, nộp thuế (iHTKK, iCanhan, eTax Mobile) để dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ sử dụng. Bỏ bớt những nội dung không cần thiết; bổ sung thêm các chức năng tiếp nhận yêu cầu bằng giọng nói trên ứng dụng eTax Mobile; bổ sung chức năng xác thực bảo mật bằng sinh trắc học…

Cùng với đó, đổi mới cách thức công khai văn bản pháp luật và thủ tục hành chính thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở trình độ cao hơn.

Xây dựng chính sách quản lý thuế, hải quan, logistics thích ứng với nền kinh tế số
TS. Phạm Nữ Mai Anh - Khoa Thuế và Hải quan tham luận tại hội thảo.

Còn theo TS. Phạm Nữ Mai Anh - Khoa Thuế và Hải quan, để hướng tới đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần tập trung xây dựng kho dữ liệu lớn của ngành Thuế, vì dữ liệu là căn cứ quan trọng để đưa ra các quyết định quản lý phù hợp, luôn được coi là trung tâm của hoạt động chuyển đổi số.

Nâng cao nhận thức, đổi mới quan niệm về phát triển nguồn nhân lực số theo hướng đảm bảo về chất lượng và số lượng đáp ứng yêu cầu công việc trong ngành Thuế; đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong nước như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… để thu thập thông tin xây dựng nguồn dữ liệu lớn trong thực hiện quản lý hiệu quả hơn các hoạt động kinh doanh được thực hiện thông qua môi trường internet.

“Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở nước ngoài để xác minh, cung cấp và thu nhận các thông tin phục vụ hoàn thiện thông tin quản lý; thực hiện quyết liệt chuyển đổi nhận thức trong toàn thể đội ngũ lãnh đạo và công chức thuế trong toàn bộ máy; đồng thời, Quốc hội và Chính phủ cần kịp thời hoàn thiện theo hướng sửa đổi, bổ sung các thể chế phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế số để tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động chuyển đối số ở các chủ thể trong nền kinh tế nói chung và trong ngành Thuế nói riêng” - TS. Phạm Nữ Mai Anh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách thuế và quản lý thuế; về chính sách và quản lý hải quan, về logistics; hoàn thiện chính sách và quản lý thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; các giải pháp triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Hải quan Việt Nam đến năm 2030; chính sách thuế, quản lý thuế và hải quan thúc đẩy tăng trưởng xanh; chuyển đổi số trong quản lý thuế, hải quan và logistics…