Ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hội thảo “Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu”, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa chuyên gia, trí thức kiều bào và cộng đồng địa phương để hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp phát triển đất nước
Quang cảnh sự kiện

Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu (mentor) với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn (mentee) để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.

Hội thảo “Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ban Điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2024” (Đề án 844) và triển khai thoả thuận hợp tác giữa Ban Điều hành Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hoá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Được triển khai từ năm 2021-2023, chương trình có sự tham gia của 17 mentor giàu kinh nghiệm, sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Việt Nam, Úc, Mỹ...

Chương trình đã kết nối các mentor với 20 Startups tiềm năng trên khắp cả nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như: blockchain, AI, chuyển đổi số, IoT, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp, truyền thông.

Qua đó, tạo sân chơi và những kết quả thực chất, với những thỏa thuận hợp tác, bản hợp đồng đem lại lợi ích chung cho các bên, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và cộng đồng.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, cộng đồng người Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu người, hiện diện tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đây là cộng đồng trưởng thành, mạnh mẽ, có trình độ cao, ngày càng trẻ hóa, hiện diện trên hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, có tiếng nói, có ảnh hưởng ngày càng được nể trọng tại xã hội sở tại. Đồng thời, là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực hết sức quan trọng của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài. Ông Đông cho biết, với vai trò của mình, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thúc đẩy để cùng các cơ quan liên quan hình thành cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thu hút đội ngũ này đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hình thức kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường liên kết, xây dựng dữ liệu về mạng lưới chuyên gia trí thức trên các lục địa, góp phần biến các hoạt động đổi mới sáng tạo thành một thị trường mới.

Cũng tại hội thảo, Chương trình Global Mentoring Program for V-Startups 2025 đã được phát động, với mục đích cố vấn, hỗ trợ startups Việt Nam giải quyết các vấn đề, khó khăn mà startup đang gặp phải dưới dạng hình thức cố vấn 1-1 bởi các chuyên gia người Việt ở nước ngoài./.