Xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Ngành Thuế đang thực hiện nhỉều giải pháp ngăn chặn hóa đơn bất hợp pháp. Ảnh: TL

Quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro

Thời gian vừa qua, nhiều đường dây mua bán hóa đơn “khủng”, hàng nghìn tỷ đồng đã bị công an các địa phương triệt phá. Hệ quả của việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp không chỉ làm thất thoát ngân sách Nhà nước (NSNN), mà còn tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN), giảm uy tín của DN làm ăn chân chính.

Điển hình vào cuối năm 2022, trong quá trình điều tra vụ án “mua bán trái phép hóa đơn” và “trốn thuế” xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cơ quan công an phát hiện một nhóm 4 người đã thành lập và mua bán hóa đơn của nhiều công ty. Đây là một đường dây mua bán trái phép hóa đơn liên tỉnh, với trên 3.000 hóa đơn, tổng giá trị tiền hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn gần 4.000 tỷ đồng. Không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn xảy ra trên rất nhiều địa phương khác, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đã bị cơ quan công an triệt phá.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, giao nhiệm vụ phòng chống gian lận hoàn thuế, mua bán trái phép hóa đơn; phân công thực hiện rà soát, kiểm tra hóa đơn tới từng công chức, từng đội, từng phòng quản lý người nộp thuế (NNT)… Đồng thời, cơ quan thuế cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến NNT về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ.

Hiện nay, ngành Thuế đã triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống HĐĐT lưu vết toàn bộ dữ liệu của người mua, người bán. Bởi vậy, trường hợp người mua, người bán có hành vi mua, bán hóa đơn bất hợp pháp sẽ bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhằm phát hiện sớm các trường hợp mua bán hóa đơn bất hợp pháp, ngành Thuế đã đẩy mạnh quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro theo các tiêu chí đánh giá để xác định NNT có rủi ro cao là NNT có nhiều dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào thanh tra, kiểm tra.

Gần 19.000 cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Đối với công tác triển khai hoá đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến cuối tháng 5/2023, đã có 18.963 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, với số lượng HĐĐT từ máy tính tiền đã tiếp nhận là 6.530.372 hóa đơn.

Cùng đó, ngành Thuế cũng thực hiện các chức năng kiểm soát thông tin HĐĐT, kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo sớm giúp đưa ra các trường hợp cần giám sát, kiểm tra thường xuyên. Việc này sẽ được thực hiện theo ngày để ngăn chặn cảnh báo việc xuất hóa đơn của NNT có dấu hiệu rủi ro.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực hiện phân tích dữ liệu HĐĐT để quản lý rủi ro, phát hiện những trường hợp gian lận, nghi ngờ mua bán hóa đơn, với xâu chuỗi nhiều DN tham gia.

Thời gian tới, ngành Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để xử lý theo quy định đối với DN bán hóa đơn; truy vết xử lý DN mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hoá đơn.

Phối hợp, xử lý các hành vi gian lận hóa đơn

Song song với các giải pháp ngăn chặn, phòng chống gian lận về HĐĐT, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm cả đối với các tổ chức cá nhân mua và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị các cơ quan, ban ngành cùng phối hợp trong việc phòng chống, xử lý các hành vi gian lận hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Trong đó, Tổng cục Thuế đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị sửa đổi nghị định về đăng ký kinh doanh, Luật DN phải có quy định theo hướng: người đại diện pháp luật phải được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Người đại diện pháp luật mà có vi phạm pháp luật thuế, là đại diện pháp luật của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, trường hợp muốn thành lập DN mới thì cần có chế tài xử lý cụ thể, tạm thời chưa cấp phép giấy chứng nhận thành lập DN mới và đưa ra các thông tin cảnh báo rủi ro, có biện pháp ngăn chặn.

Để khắc phục tình trạng sử dụng các giấy tờ giả để thành lập DN hoặc thuê thành lập DN để bán hóa đơn, Bộ Tài chính đang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sử dụng các công nghệ xác thực định danh cá nhân, DN để kiểm tra thông tin đại diện pháp luật của các DN khi cấp phép đăng ký DN.

Đối với các biện pháp chống gian lận HĐĐT qua việc rao bán HĐĐT trên nền tảng không gian mạng, ngành Thuế đã tăng cường rà soát các thông tin có nội dung rao bán HĐĐT không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng (facebook, website, zalo...). Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép HĐĐT tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của HĐĐT rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...).

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Cơ quan thuế hiện đang đề nghị Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an (A05) có biện pháp kiểm tra, xem xét đối với các trường hợp công khai rao bán hóa đơn trên nền tảng không gian mạng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi bán HĐĐT không hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Giao nhiệm vụ cho toàn ngành tại hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác thuế tháng 6 và các tháng tiếp theo, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu toàn ngành tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống HĐĐT; nghiên cứu giải pháp áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng AI vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về HĐĐT, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng,...nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Trung tâm Cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử giúp phòng ngừa mua bán khống hóa đơn

Để tăng cường giải pháp quản lý hóa đơn, Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu HĐĐT với chức năng phân tích dữ liệu HĐĐT, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro về HĐĐT trong toàn ngành Thuế. Hệ thống sẽ giúp các cán bộ ngành Thuế có công cụ, nguồn dữ liệu để tập trung thực hiện rà soát, phân tích, phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng HĐĐT.

Từ đó, ngăn ngừa, xử lý kịp thời theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về hóa đơn cũng như các hành vi gian lận, trốn thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng sai quy định, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho DN.

Tổng cục Thuế cho biết, hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu HĐĐT giúp phát hiện các giao dịch mua bán bất thường và tiến tới phòng ngừa từ sớm, từ xa việc mua bán khống HĐĐT. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ có cảnh báo tới NNT về sự bất thường trong việc sử dụng hóa đơn ngay khi xuất hóa đơn. Việc áp dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ có thể phát hiện ra những trường hợp gian lận, nghi ngờ mua bán hóa đơn với xâu chuỗi nhiều DN tham gia.