noong sanr

Xuất khẩu nông sản tăng mạnh từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Khánh Linh

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã cho biết như vậy khi trả lời báo chí về kết quả trong sản xuất, xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản quý III bên lề buổi họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 6/10.

*PV: Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản thời gian qua đã đạt kết quả như thế nào?

- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 52,8 tỷ USD; xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng về XK, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 9 tháng qua ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 13,7 tỷ USD, giảm 1,1%; chăn nuôi ước đạt 231 triệu USD, giảm 19,7%; thủy sản ước đạt trên 6 tỷ USD, giảm 3%; lâm sản chính đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 13,2%.

Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều các mặt hàng XK giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì trị giá XK tăng so với cùng kỳ năm trước. Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng XK trên 1 tỷ USD và 6 nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 2 tỷ USD.

Về thị trường XK, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 25% thị phần; tiếp đến là thị trường Trung Quốc, ASEAN, Châu Âu (EU) và Nhật Bản.

TTT
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

*PV: Một trong những điểm nhấn trong bức tranh XK nông, lâm, thủy sản quý III là từ khi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, XK nông, lâm, thủy sản sang EU ghi nhận tăng trưởng rõ rệt. Liên tiếp các mặt hàng gạo, tôm, chanh leo, cà phê, trái cây được XK sang EU được hưởng ưu đãi lớn về thuế quan theo hiệp định này. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội mà hiệp định này mang lại?

-Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1201/2020/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ NN&PTNT đã xây dựng chương trình hành động cho ngành nông nghiệp. Trước đó, các doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu, từ khâu giống, vật tư đầu vào đến quy trình nuôi, trồng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.

Vì vậy, ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, các doanh nghiệp có bước chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu đã đón sóng cơ hội. Trong 2 tháng sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam vào EU đã đạt 766,3 triệu USD. Giá trị kim ngạch XK nông sản sang EU trong tháng 8 tăng tới 11,9% so với tháng 7/2020, sang tháng 9, giá trị kim ngạch XK nông sản sang EU tăng tới 35% so với tháng 8.

Kết quả này một phần do các doanh nghiệp Việt ngày càng năng động trong tìm kiếm thị trường, liên kết với nông dân thực hiện đúng các khuyến cáo của EU để nâng cao giá trị nông sản, được phía đối tác EU đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Thời gian tới, nếu chúng ta làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt chất lượng nông sản thì giá trị kim ngạch xuất khẩu vào EU sẽ còn lớn hơn nữa.

Trong số các mặt hàng có lợi thế vào EU, tôi đánh giá cao mặt hàng tôm và cá tra. Trong đó, mặt hàng tôm năm nay cho sản lượng lớn, giá cao, cơ hội vào EU rất tốt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đảm bảo đủ các tiêu chí XK vào thị trường khó tính nhất nhì thế giới này.

Với mặt hàng cá tra, sau một thời gian chững lại, giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đã tăng tới 13%, bước sang tháng 8 – 9, XK cá tra tiếp tục khởi sắc, giá cá tra nguyên liệu cũng đã tăng 19.000 – 20.000 đồng/kg.

Với hai sản phẩm chủ lực này, ngoài việc giữ vững và tiếp tục mở rộng thị trường ở 27 nước EU mà chúng tôi coi việc xuất khẩu sang EU cũng là cầu nối đưa tôm, đặc biệt là cá tra sang thị trường Nga. Hiện nay đã có doanh nghiệp ký XK 300.000 tấn cá tra mỗi năm vào thị trường Nga.

*PV: Được biết, quý IV/2020, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu mục tiêu XK đạt trên 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá XK cả năm 2020 đạt trên 40 tỷ USD. Thưa Thứ trưởng, để đạt mục tiêu này, Bộ NN&PTNT tập trung giải pháp gì trong thời gian tới?

-Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản; kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm.

Cùng với đó, truyền thông mạnh mẽ các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật của ngành, các sự kiện về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Ngoài ra, tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước: Trung Quốc, EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập xê út; xây dựng chương trình đoàn công tác của Bộ tại Trung Quốc, Brazil, Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia sau khi kết thúc dịch Covid-19…

*PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Khánh Linh (ghi)