Xuất khẩu sang Trung Quốc trong vòng xoáy căng thẳng thương mại
Xuất khẩu sang Trung Quốc là điểm sáng trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chủ lực khác đều giảm. Ảnh tư liệu

Tiềm ẩn mối lo thâm hụt cán cân thương mại

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,6 tỷ USD, tăng tới 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Trung Quốc là điểm sáng trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chủ lực khác đều giảm (xuất khẩu sang các thị trường như EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt giảm là: 12,6%; 14%; 8,9%; 6,9%...).

Tận dụng lợi thế để khai thác thị trường 1,4 tỷ dân

Xuất khẩu sang Trung Quốc trong vòng xoáy căng thẳng thương mại

Năm 2025, hai bên xác định tiếp tục phát huy các lợi thế về vị trí địa lý của quốc gia láng giềng; tận dụng, khai thác các ưu đãi trong khuôn khổ hợp tác chung Việt Nam - Trung Quốc như Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA), RCEP…; hợp tác song phương, đa phương để khai thác tiềm năng, nhu cầu của thị trường 1,4 tỷ dân. Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ước đạt 11,6 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm 38,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã cán mốc kỷ lục mới 205 tỷ USD trong năm 2024, trong đó Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này khoảng 144 tỷ USD. Với kết quả này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng tỏ ra lo ngại về dấu hiệu tăng trưởng kinh tế của một số nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam có xu hướng chậm lại, trong đó, có Trung Quốc.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đối mặt khó khăn để đạt được mức tăng trưởng cao, do suy thoái bất động sản kéo dài, nợ chính quyền địa phương tăng và niềm tin tiêu dùng giảm. Đặc biệt, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang bởi các đòn đánh áp thuế mạnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trong tháng 1/2025, tăng trưởng của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ chậm lại, đạt 4,5% trong năm 2025, tác động đến nhu cầu toàn cầu và tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang nước này. Điều này vô cùng quan trọng với Việt Nam, khi hiện nay, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta khi chiếm đến 26% kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2024.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ, Trung Quốc là thị trường lớn với 1,4 tỷ dân, sức mua lớn, là thị trường hấp dẫn với không chỉ hàng hoá Việt Nam mà còn là hàng hoá của nhiều quốc gia khác. Với tốc độ nhập khẩu lớn đối với nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, nông lâm thuỷ sản… đây là thị trường lớn mà Việt Nam không thể bỏ lỡ. Tuy nhiên, thách thức đặt ra trong năm 2025 là Việt Nam sẽ phải ứng phó ra sao trong vòng xoáy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và làm sao hạn chế việc mất cân bằng thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Cơ hội cho Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, giao dịch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt quy mô khổng lồ, lên đến hàng ngàn tỷ USD, nên bất kỳ thay đổi nào trong chính sách thuế đều tác động mạnh mẽ đến hoạt động doanh nghiệp và sức sản xuất của cả hai nước.

Việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm những điểm đến mới như Ấn Độ, Việt Nam… để giảm chi phí và duy trì lợi thế cạnh tranh. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng này có thể làm suy yếu vị thế của Trung Quốc với vai trò là công xưởng của thế giới, đồng thời giúp các quốc gia khác hưởng lợi từ dòng vốn và công nghệ dịch chuyển.

Đây là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất thay thế Trung Quốc. Các ngành như dệt may, da giày, điện tử, nội thất, linh kiện ô tô… sẽ hưởng lợi đáng kể từ làn sóng dịch chuyển này. Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư, lượng vốn FDI đổ vào sẽ tăng vọt trong thời gian ngắn, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam cũng sẽ phát triển mạnh mẽ, với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam mang về nguồn USD quý giá phục vụ đầu tư và phát triển kinh tế.

Đồng thời, với Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế để gia tăng xuất nhập khẩu với Trung Quốc, bởi 2 quốc gia còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện toàn diện khu vực (RCEP)…

Đề cập đến giải pháp hạn chế nhập siêu hàng hoá từ Trung Quốc, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, Trung Quốc là thị trường lớn, thị trường gần và vẫn sẽ đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Doanh nghiệp phải xác định rằng Trung Quốc cũng ngày càng đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn như mã số vùng trồng, mã đóng gói, tiêu chuẩn xuất khẩu…

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam nhập khẩu rất nhiều hàng hoá từ Trung Quốc. Đa phần trong đó là nguyên phụ liệu sản xuất, là không đáng lo. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều nông sản, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Do đó, phải nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá nội địa để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này, từ đó giúp giảm bớt thâm hụt, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Cụ thể, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác tại thị trường Trung Quốc; nâng cao năng lực vận chuyển, giảm chi phí logistics để năng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Nhiều dư địa xuất khẩu cà phê vào Trung Quốc

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, thống kê từ Hải quan Trung Quốc công bố, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 190,9 nghìn tấn, trị giá 972,6 triệu USD, tăng 24% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với năm 2023.

Năm 2024, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc từ thế giới đạt mức 5.095 USD/ tấn, giảm 2,1% so với năm 2023. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc từ Colombia, Ethiopia giảm; ngược lại, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam tăng mạnh 62,7% so với năm 2023, lên mức 4.176 USD/tấn.

Việt Nam là thị trường cung cấp đứng thứ 3 cho Trung Quốc trong năm 2024, đạt 24,1 nghìn tấn, trị giá 100,6 triệu USD, tăng 65,8% về lượng và tăng 169,8% về trị giá so với năm 2023. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ mức 9,44% trong năm 2023 lên mức 12,62% trong năm 2024. Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc nhập khá nhiều cà phê hòa tan từ Việt Nam do phù hợp khẩu vị, gần thị trường.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 01/2025, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 134,0 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 729,0 triệu USD, tăng 5,0% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với tháng 12/2024, so với tháng 1/2024 giảm 43,7% về lượng và tăng 0,3% về trị giá. Tháng 01/2025, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức 5.440 USD/tấn, tăng 1,1% so với tháng 12/2024 và tăng 78,1% so với tháng 1/2024.

Về thị trường tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng đều giảm so với tháng 1/2024. Ngoại trừ, xuất khẩu sang một số thị trường khác vẫn giữ được mức tăng như Hà Lan, Malaysia…