Tăng trưởng đầu năm bứt tốc đạt 3 con số

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của xơ sợi Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 2 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu xơ sợi sang Mỹ cán mốc 30,4 triệu USD, tương đương với 24.598 tấn, tăng 155% về lượng và tăng 508% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu xơ sợi sang Mỹ: Tăng trưởng khả quan không làm mờ đi những thách thức
Một số nhà máy kéo sợi đã có thể đạt được các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: TL
Theo Cục Phòng vệ thương mại, năm 2017, sản phẩm sợi đã bị Mỹ điều tra chống bán phá giá với Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam; điều tra chống trợ cấp với Trung Quốc và Ấn Độ; nhưng sau đó Việt Nam được loại trừ khỏi phạm vi điều tra theo đề nghị của nguyên đơn. Hiện nay, sản phẩm từ các nước/vùng lãnh thổ nói trên (trừ Việt Nam) vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp.

Thực tế cho thấy, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là CPTPP là đòn bẩy để đưa mặt hàng xơ sợi lên vị trí thứ 6 trong các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và có tỷ trọng xuất khẩu ngày càng tăng trưởng tại thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine đã và đang tác động trực tiếp và dự kiến sẽ làm tăng giá sản xuất xơ, sợi trong năm nay cũng tạo cơ hội cho các sản phẩm xơ, sợi của Việt Nam có nhiều tiềm năng trong thời gian tới tại thị trường bậc nhất thế giới này.

Các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá cao tiềm năng tại thị trường Mỹ và khuyên doanh nghiệp xuất khẩu nên đẩy mạnh tập trung cho việc tìm kiếm khách hàng mới trong bối cảnh Mỹ giảm tỷ trọng nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc, xu hướng thị trường có những chuyển biến tích cực khi Fed chưa tăng lãi suất trong thời gian ngắn tới đây, chỉ số quản trị mua hàng của thị trường này đã cao hơn mức dự báo... Đồng thời, họ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao tại thị trường Mỹ trong năm 2024.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo xu hướng bền vững của thế giới, nhưng hiện nay đang cho thấy những tín hiệu tích cực khi một số nhà máy kéo sợi đã có thể đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như Global Recycle Standard, Oeko-Tex, BCI…

Nhiều nhà máy kéo sợi đã và đang bắt đầu sử dụng bông hữu cơ; sợi tự nhiên như sợi càphê, sợi tre và các loại sợi tái chế; tận dụng mái nhà xưởng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời…Đây cũng là yếu tố thuận lợi quan trọng để hàng xơ sợi Việt tự tin gia tăng thị phần tại Mỹ.

Áp lực từ phòng vệ thương mại

Bản thân doanh nghiệp ngành sợi đã luôn phải đối diện với nhiều rủi ro và áp lực. Như nhiều chuyên gia đã từng phân tích, làm sợi trong thời gian tới phải tính toán thận trọng. Nguyên liệu tồn kho quá lớn, giá nhập cao khiến doanh nghiệp sợi rất áp lực. Hơn 60% thị phần sợi toàn cầu tập trung vào sợi nhân tạo tổng hợp vốn có nguồn gốc từ dầu mỏ, than đá, khí đốt – những mặt hàng đang có sự biến động mạnh do xung đột. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến động trong giá nguyên liệu.

Đáng chú ý, với những quy định nghiêm ngặt và sự bảo hộ nền sản xuất trong nước ngày càng khắt khe, chặt chẽ, các chuyên gia đánh giá, doanh ghiệp Việt sẽ phải đối mặt với không ít gian nan.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), Mỹ hiện là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới, và cũng là cũng là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam với nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói chung, xơ sợi nói riêng không thể lơ là các “đòn” phòng vệ thương mại từ Mỹ trong thời gian tới.

Xuất khẩu xơ sợi sang Mỹ: Tăng trưởng khả quan không làm mờ đi những thách thức
Doanh nghiệp không thể lơ là các “đòn” phòng vệ thương mại từ Mỹ. Ảnh: TL

Mới đây, ngày 11/3, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thông báo về việc Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste (Fine Denier Polyester Staple Fiber) có mã HS. 5503.20.0025.

Được biết, vụ việc được USITC khởi xướng điều tra cuối tháng 2/2024 theo đơn đề nghị từ các nhà sản xuất sợi staple nhân tạo từ polyester của Mỹ, bao gồm Fiber Industries LLC d/b/a Darling Fibers; Nan Ya Plastics Corp, America và Sun Fiber LLC. Nguyên đơn cáo buộc việc nhập khẩu xơ sợi staple nhân tạo từ polyester đã tăng mạnh so với sản xuất và tiêu thụ nội địa, gây ra thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước.

Theo các chuyên gia, để ứng phó với tác động tiêu cực về xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đòi hỏi các doanh nghiệp xơ sợi cần tiếp tục tiết giảm các chi phí, nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh với đối thủ. Mặt khác cần tìm kiếm thị trường khác để phân tán rủi ro cả về nhu cầu nhập khẩu, cả về tỷ giá...

Trước tình hình đó, cơ quan chức năng và chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp khẩu cần thận trọng để tránh được rủi ro, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng tại Việt Nam... Trước mắt, theo đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vcosa), doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, có các biện pháp minh bạch hoá thông tin, thể hiện thiện chí ngay từ sớm thì khả năng phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt sẽ giảm đi đáng kể và để tránh ảnh hưởng dây chuyền tới toàn ngành.

“Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ sổ sách kế toán rõ ràng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho trả lời bản câu hỏi điều tra nếu vụ việc được khởi xướng” - đại diện Vcosa nhấn mạnh.

Song song với đó, ông Tuấn khuyến cáo, các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công thương trong quá trình xuất khẩu sang Mỹ, cũng như hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Mỹ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, các hiệp hội trong quá trình xử lý vụ việc./.