Làm tốt cơ quan đại diện

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã điểm qua về kết quả của ngành công thương trong năm 2013. Bộ trưởng cho biết, năm 2013 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc về hội nhập trong lĩnh vực thương mại với quốc tế, Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn khu vực và thế giới. Do đó đã góp phần mở rộng thị trường, tạo ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến cả năm tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong lĩnh vực công nghiệp đã tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng; sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản được quan tâm hỗ trợ phát triển.

Nhiều hội chợ xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức trong năm 2014. Ảnh: MN.

Xuất nhập khẩu cũng có bước phát triển đáng kể, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%).

Đối với thị trường trong nước, cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, tăng cường xúc tiến thương mại, không để xảy ra tình trạng sốt giá do thiếu, khan hiếm hàng hóa. Nhờ đó quy mô thị trường trong nước được mở rộng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 14% so với năm 2012.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh, bên cạnh những thuận lợi trên đây thì năm 2013 ngành Công thương cũng gặp phải không ít khó khăn, đó là sự mất ổn định chính trị của nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại với nước ta, một số ngành có tăng trưởng nhưng chưa bền vững…

Năm 2014 cũng là năm thứ 4 của kế hoạch 5 năm, do đó đòi hỏi các Tham tán phải nỗ lực, làm tốt là cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài, tìm kiếm thị trường xuất khẩu để đạt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu năm 2014 là 10%.

Không bỏ qua các thị trường nhỏ

Xúc tiến thương mại: Đừng xem nhẹ các thị trường nhỏ
Các Tham tán phải làm tốt công tác tìm kiếm thị trường, xúc tiến các dự án công nghiệp... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ảnh: MN.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu các Tham tán thương mại phải hết sức chú trọng trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường nhỏ. Bởi lẽ, những thị trường này có điều kiện nhập khẩu không ngặt nghèo, dễ tiếp cận.

“Chúng ta đừng xem nhẹ những thị trường nhỏ. Nhiều “ông” nhỏ cộng lại thì chẳng kém gì một “ông” lớn. Vừa qua, chỉ trong vòng thời gian rất ngắn, chúng ta đã xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo sang Haiti, trong khi đó với các thị trường khác như Indonesia, Philipinine... chúng ta rất chật vật, nhưng cũng chỉ xuất khẩu được chừng đó”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu các Tham tán không chỉ làm tròn nhiệm vụ thương mại, xuất khẩu, mà phải tiến hành xúc tiến thương mại các dự án công nghiệp lớn trong nước.

“Thời gian vừa qua các Tham tán chưa làm tốt việc này. Không yêu cầu các đồng chí phải tìm kiếm xa xôi gì, rất nhiều dự án công nghiệp mà chúng ta đã ký cam kết như: Điện hạt nhân ở Ninh Thuận ký với Nhật có vốn đầu tư 10 tỷ USD, dự án đất hiếm ở Lai Châu cũng hàng tỷ USD, hai khu công nghiệp hỗ trợ ở Hải Phòng và Vũng Tàu…”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh./.

Trọng tâm về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2014

- Đẩy mạnh triển khai đàm phán các hiệp định kinh tế - thương mại với một số đối tác hiện đang trong quá trình đàm phán. Quan tâm đến đàm phán song phương để mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu.

- Làm tốt vai trò đầu mối về hội nhập kinh tế ASEAN, nỗ lực cùng các bộ, ngành đưa tiến trình hợp tác ASEAN đạt những thành công mới, hướng tới mục tiêu cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

- Chủ động tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán đa phương và một số hoạt động khác của WTO mà Việt Nam có lợi ích. Xem xét gia nhập một số nhóm quyền lợi tại WTO phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Tiếp tục tăng cường vận động các thành viên WTO công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Nhật Minh