Thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh

Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu tiếp tục chứng kiến những phiên giao dịch ấn tượng ở hầu hết các châu lục. Theo Tradingeconmics, mặc dù trong tháng 12/2021 TTCK còn có chút biến động trái chiều tại các khu vực nhưng nhìn chung kết thúc năm 2021 TTCK toàn cầu đã thể hiện xu hướng tăng điểm mạnh. Cụ thể:

Tại Mỹ, trong tháng 12/2021 chỉ số Dow Jones vẫn thể hiện xu hướng tăng điểm nhẹ khi tăng 0,57%, còn chỉ số S&P 500 giảm 4,23%. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2021 chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng điểm mạnh so với thời điểm đầu năm 2021. Tính chung cả năm, chỉ số Dow Jones tăng hơn 56% và chỉ số S&P 500 tăng hơn 59%. So với thời điểm cuối tháng 12/2020, chỉ số Dow Jones tăng hơn 76% trong khi đó chỉ số S&P 500 tăng hơn 112%.

2021 - Năm bứt phá ngoạn mục của thị trường chứng khoán và đồng bạc xanh
2021 - Năm bứt phá ngoạn mục của thị trường chứng khoán và đồng bạc xanh. Ảnh: TL

Theo các chuyên gia, sự phục hồi của kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2020 đã được chuyển sang năm 2021 giúp đẩy TTCK lên những mức cao kỷ lục. Theo chuyên gia tại quỹ đầu tư của Wells Fargo (ông Chris Haverland), “Năm 2021 có thể coi như một năm ngoại lệ của TTCK Mỹ. Thị trường được hỗ trợ quan trọng bởi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mềm mỏng”.

Tại khu vực châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng gần 6% trong tháng 12/2021, tăng 6,4% so với tháng trước đó, và tăng gần 31% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, chỉ số này vẫn thể hiện xu hướng tăng điểm khi tăng hơn 13%. Đây là mức tăng lớn nhất trong 5 năm và duy trì gần mức cao nhất trong 22 tháng gần đây, nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh và nền kinh tế Anh phục hồi sau tác động của đại dịch. Ngoài ra, triển vọng kinh tế được cải thiện trong tháng 12 sau khi vắc xin Covid-19 được chứng minh là có hiệu quả chống lại Omicron, cho phép Chính phủ Anh tránh áp dụng các hạn chế hơn nữa đối với hoạt động.

Tại châu Á, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc cũng tăng 4,6% trong tháng 12/2021, và tăng 4,8% so với tháng 11/2021. So với tháng 12/2020, chỉ số CSI 300 tăng gần 81%. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, chỉ số này tăng hơn 72%.

Xu hướng tăng điểm trong năm 2021 cũng ghi nhận tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 Future mặc dù giảm nhẹ trong tháng 12/2021 khi giảm 1,33%, nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước khi tăng hơn 32%. Tính chung cả năm 2021, chỉ số Nikkei 225 Future tăng ấn tượng ở mức 36,31%. Các thị trường cũng lạc quan về triển vọng kinh tế bất chấp những mối đe dọa từ biến thể Omicron, với khảo sát của Kyodo News cho thấy 84% công ty ở Nhật Bản có tăng trưởng kinh tế vào năm 2022. Cuộc khảo sát của 106 công ty, bao gồm Toyota và SoftBank, cho thấy tiêu dùng cá nhân đang phục hồi. Tất cả một động lực trong năm nay trong bối cảnh hy vọng rằng đại dịch sẽ giảm bớt và tình hình sẽ trở lại bình thường.

Đồng USD diễn biến đa chiều

Trong năm 2021, đồng USD có xu hướng biến động khác nhau tại một số khu vực trên thế giới khi ghi nhận sự tăng điểm đối với một số đồng tiền chủ chốt như đồng Yên Nhật (JPY), đồng đô la Singapore (SGD) và đồng Won Hàn Quốc (KRW), ngược lại đồng USD thể hiện xu hướng giảm điểm so với đồng Euro (EUR), đồng bảng Anh (GBP), đồng đô la Úc (AUD) và đồng Nhân dân tệ (CNY).

Theo Tradingeconomics, trong tháng 12/2021, đồng USD giảm mạnh nhất là so với AUD (1,26%) và tăng nhiều nhất là so với SGD (1,93%). So với tháng 12/2020, đồng USD thể hiện xu hướng giảm điểm so với các đồng tiền EUR, GBP, JPY, AUD; trong đó, giảm nhiều nhất là so với đồng GBP (15%). Ngược lại, đồng USD lại diễn biến tăng điểm so với các đồng tiền CNY, SGD, KRW; trong đó tăng mạnh nhất là so với đồng KRW (3,36%).

Tính chung cả năm 2021, đồng USD thể hiện xu hướng giảm điểm so với các đồng tiền: EUR (5,2%), GBP (12,53%), AUD (9,16%), CNY (0,30) và ghi nhận sự tăng điểm so với các đồng tiền chủ chốt: JPY, SGD (1,89%), KRW (1,19%).

Xu hướng biến động giá của đồng USD so với các đồng tiền khác được quyết định bởi các nguyên nhân khác nhau, tuỳ thuộc vào bối cảnh kinh tế thế giới, chính sách của các nước, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19. Lý do khiến đồng AUD giảm giá so với đồng USD trong năm 2021 là do điều hành chính sách và sự xuất hiện của biến thể omicron. Trong khi GBP mất giá mạnh trong năm 2021 so với đồng USD được cho là do lo ngại về sự phục hồi kinh tế của nước này trở nên trầm trọng hơn do giá năng lượng tăng, các vụ Covid-19 tăng kỷ lục và căng thẳng hậu Brexit.

Có cùng xu hướng với đồng GBP, đồng EUR chậm lại so với đồng USD trong năm 2021 cũng xuất phát từ quan ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại của châu Âu vì giá tăng và các trường hợp Covid-19 gia tăng gắn liền, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu được cho là chậm hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, đồng CNY nổi lên như là một đồng ngoại tệ mạnh, ít bị tác động bởi đồng USD, được củng cố bởi xuất khẩu mạnh mẽ, thặng dư thương mại ngày càng tăng, dòng vốn chảy vào ổn định và thanh khoản USD trong nước dồi dào. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến đồng tiền có mức tăng nhẹ so với đồng USD trong năm./.