Có 4 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%); các tỉnh: Tiền Giang (58,7%), Phú Thọ (56,4%), Thái Bình (55,1).

7 tháng: Dự kiến cả nước giải ngân được 34,47% kế hoạch vốn đầu tư năm 2022
Dự kiến tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 34,47% trong 7 tháng đầu năm. Ảnh minh họa: H.T

Có 36 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 26 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Đáng chú ý, hiện còn Tập đoàn Điện lực đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện giải ngân.

Cũng theo Bộ Tài chính, đến thời điểm báo cáo, tổng số vốn chưa được phân bổ chi tiết còn trên 56.457 tỷ đồng, chiếm trên 10% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Về nguồn vốn ngân sách trung ương, có 10 bộ và 13 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như: Ủy ban dân tộc (97,59%); Thanh tra Chính phủ (84,92%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,38%), Bộ Y tế (60,31%), Bộ Tư pháp (trên 54%).

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn NSNN, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền đã được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu ra.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Nguyên nhân được nêu ra là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025.

Về nguồn vốn ngân sách địa phương, có 46 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn 11 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.

Đối với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ vốn kế hoạch của 15/52 địa phương. Tuy nhiên, chỉ có tỉnh Kon Tum đã phân bổ vốn chi tiết theo danh mục các dự án đầu tư, các địa phương còn lại mới chỉ phân bổ kế hoạch vốn cho các đơn vị trực thuộc.