Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do giá xăng dầu

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chỉ số gia tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Trong mức tăng 0,69% của CPI tháng 6/2022 so với tháng trước có tới 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung

Nguyên nhân khiến cho CPI tăng mạnh được bà Nguyễn Thị Hương chỉ ra chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,98% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng.

Mặc dù chịu áp lực lớn lên chỉ số CPI, các chuyên gia kinh tế và giới chuyên môn cũng đánh giá cao những nỗ lực điều hành giá xăng dầu và kiềm chế lạm phát của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, CPI bình quân chung 6 tháng đầu năm tăng 2,44% là thành công của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát trước bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang chịu áp lực lạm phát rất lớn. Cụ thể, tại Mỹ, lạm phát tháng 5/2022 lên tới 8,6%, tại châu Á, lạm phát bình quân của Thái Lan 5 tháng tăng đến 5,2%...

Các giải pháp ổn định nguồn cung và giảm thuế bảo vệ môi trường, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu được liên Bộ Công thương - Tài chính trong thời gian qua cũng phần nào làm dịu đi áp lực tăng chỉ số CPI, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng.

Giảm thuế sẽ giúp “hạ nhiệt” giá xăng dầu

Trong những ngày cuối tháng 6/2022, dư luận đặc biệt quan tâm và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính với đề xuất giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính có giải pháp quyết liệt để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước nhằm giúp nền kinh tế phục hồi khi giá bán lẻ xăng, dầu ngày một leo thang và đã tăng 65 - 70% so với cuối năm ngoái, đè nặng lên cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, CPI 6 tháng đầu năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát đang rất lớn vào quý III và IV/2022. Trong đó, những yếu tố tác động đến CPI những tháng cuối năm là giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên sẽ tác động đến hàng hoá đầu vào của Việt Nam. Theo đó, để kiểm soát lạm phát, nhằm đạt được mục tiêu 4% trong năm 2022 là thách thức rất lớn.

Không để thiếu hàng, sốt giá các mặt hàng thiết yếu

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước vừa được Bộ Công thương tổ chức mới đây, bà Lê Thị Hồng - Trưởng phòng Quản lý cung cầu - Vụ Thị trường trong nước, cho hay đối với mặt hàng xăng dầu, từ nay đến cuối năm 2022, liên Bộ Công thương - Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt); hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch của Chính phủ. Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã có cam kết với Bộ Công thương, đảm bảo nguồn cung cho thị trường xăng dầu đến hết quý III/2022. Để kiềm chế tốt CPI, liên bộ sẽ đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu, cần cân đối cung cầu hàng hoá, đảm bảo không có sự găm hàng, tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu…

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược quốc gia, được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của dân cư. Giá xăng dầu đang tăng và đứng ở mức cao theo giá thế giới, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân của Bộ Tài chính là rất đáng ghi nhận…

Trên thực tế, sau thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng để kìm giá xăng.

Theo quy trình, dự thảo nghị định giảm thuế phải xin ý kiến các bộ, ngành và sự thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình xin ý kiến Chính phủ. Giảm thuế là giải pháp cần được làm nhanh, nên thường được thực hiện theo trình tự rút gọn. Việc lấy ý kiến các bên có thể chỉ mất 3 - 5 ngày. Còn thời hạn thẩm định, thẩm tra là 7 ngày (giảm 8 ngày so với thông thường). Như vậy, thời gian lấy ý kiến và thẩm định dự thảo nghị định giảm thuế theo thủ tục rút gọn kéo dài từ 7 tới 27 ngày.