tap

Đại diện thành viên APEC tham dự SCCP 2 diễn ra từ ngày 19 đến 21/8 tại TP. Hồ Chí Minh.

“SCCP đã đồng thuận về nhiều vấn đề liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, trong đó có sáng kiến thúc đẩy kết nối cơ chế một cửa giữa các thành viên APEC do Hải quan Việt Nam đề xuất…”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, Trường Ban chỉ đạo SCCP 2017 nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề hội nghị.

PV: Thưa ông, các hoạt động SCCP đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Ông Vũ Ngọc Anh: Hải quan Việt Nam được giao tổ chức 2 hội nghị SCCP trong khuôn khổ APEC 2017. Hội nghị SCCP 1 đã được tổ chức vào tháng 2/1017 tại Khánh Hòa và SCCP 2 diễn ra từ ngày 19 đến 21/8 tại TP. Hồ Chí Minh. Qua 2 hội nghị này, Hải quan Việt Nam đã khẳng định được vị thế trong việc chủ động đưa ra các nội dung thảo luận, điều phối các cuộc họp liên quan đến 2 mục tiêu lớn của SCCP 2017 trong mục tiêu chung của APEC là tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng...

anh

Ông Vũ Ngọc Anh

Kết quả nổi bật đạt được của SCCP là các nền kinh tế thành viên APEC đã trao đổi và thống nhất nhiều nội dung quan trọng. Các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện chương trình doanh nghiệp (DN) ưu tiên trong các nền kinh tế APEC; thúc đẩy hợp tác và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau để tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu dài hạn của APEC về thuận lợi hóa thương mại trong khu vực.

SCCP đã thống nhất bổ sung một nội dung mới đề cập đến hợp tác hải quan - hải quan trong APEC nhằm đẩy mạnh các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực giữa các nền kinh tế thành viên, đặc biệt hỗ trợ đối với các nền kinh tế đang phát triển. Đặc biệt, tại các cuộc họp SCCP, các đại biểu đã nhất trí thực hiện cơ chế một cửa; đồng thời xem xét khả năng kết nối cơ chế này giữa các nền kinh tế thành viên APEC

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về đánh giá của các thành viên APEC với sáng kiến thúc đẩy kết nối cơ chế một cửa được Hải quan Việt Nam đưa ra tại SCCP?

Ông Vũ Ngọc Anh: Cơ chế một cửa là đề xuất của Hải quan Việt Nam đã được Ban Thư ký APEC thông qua và được các thành viên APEC đánh giá cao tại các cuộc họp SCCP. Các thành viên APEC đều đồng thuận quan điểm, Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa trong APEC là một trong những biện pháp rất quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian cũng như chi phí cho DN trong việc kinh doanh giữa các nước APEC.

Liên quan đến cơ chế một cửa, bên lề SCCP 2, Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, Ban Thư ký APEC đồng tổ chức một hội thảo về vấn đề này trong ngày 17/8/2017. Tại hội thảo này, các đồng nghiệp từ cơ quan hải quan các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, cộng đồng DN đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về các chủ đề xây dựng cơ chế một cửa, nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và tăng tính cạnh tranh của các nền kinh tế... Những thách thức đối với DN trong việc thực hiện cơ chế một cửa và các giải pháp triển khai cơ chế một cửa bền vững cũng được đưa ra tại hội thảo.

Tại SCCP 2, Hải quan Việt Nam cũng đã chia sẻ kết quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam và cơ chế một cửa ASEAN. Tính đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã có 11 bộ, ngành kết nối, thực hiện 39 thủ tục hành chính (ngoài thủ tục của Bộ Tài chính). Việt Nam cũng đã sẵn sàng kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN chính thức có hiệu lực...

PV: Kết quả đạt được của SCCP được kỳ vọng đóng góp thế nào cho sự thành công chung của APEC 2017 tại Việt Nam, thưa ông ?

Ông Vũ Ngọc Anh: SCCP là một trong những hoạt động chung của Ủy ban Thương mại và đầu tư APEC, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, công nghệ thông tin, đảm bảo hoạt động thương mại công bằng… SCCP đã bàn rất nhiều đến cải cách thủ tục hành chính, phi giấy tờ, đảm bảo an toàn an ninh thương mại. SCCP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đơn giản hoá thủ tục hải quan, kết nối cơ chế một cửa, tạo thuận lợi thương mại giữa các thành viên APEC; tăng cường kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới, tiến tới thực hiện các chương trình tự chứng nhận xuất xứ và kiểm tra xuất xứ, thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới.

Đây là đóng góp quan trọng của SCCP để giảm nhẹ thủ tục hành chính, chi phí và tăng cường đầu tư, khối lượng thương mại giữa các nền kinh tế APEC. Kết quả nêu trên sẽ đóng góp thiết thực vào hiện thực hóa chủ đề của năm APEC 2017 là “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”…

PV: Xin cảm ơn ông!

Kết thúc SCCP 2017, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã chuyển giao vai trò chủ trì SCCP - APEC 2018 cho ông James Kombuk Bire đại diện Papua New Guinea.

Ngọc Linh (thực hiện)