Dưới sự chủ trì của Nhật Bản và Indonesia, các thứ trưởng và phó thống đốc đã thảo luận và phê duyệt các định hướng hợp tác tài chính trong khuôn khổ Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), đồng thời có phiên thảo luận tình hình kinh tế vĩ mô khu vực với IMF, ADB và AMRO. Đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham dự hội nghị.

ASEAN+3 cân nhắc các công cụ tài chính mới
Quang cảnh Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3, tại thành phố Kanazawa, Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Chi

Đánh giá tiến độ triển khai Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và sáng kiến Thị trường Trái phiếu khu vực châu Á (ABMI), các thứ trưởng và phó thống đốc ghi nhận các kết quả hợp tác mà các quan chức tài chính ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là vấn đề biên độ lãi suất CMIM, việc sử dụng đồng nội tệ trong các khoản vay hỗ trợ của CMIM, kết quả chạy thử nghiệm CMIM lần thứ 14 và một số vấn đề kỹ thuật trong vận hành cơ chế CMIM.

Các thứ trưởng và phó thống đốc cũng ghi nhận kết quả thảo luận về việc đánh giá định kỳ lần thứ 2 và những định hướng tương lai của CMIM, cũng như các kết quả triển khai hợp tác trong 4 nhóm đặc trách của ABMI, đặc biệt là quá trình hỗ trợ bảo lãnh các công cụ trái phiếu xanh của Quỹ CGIF.

Để tăng cường hơn nữa khả năng hỗ trợ của CMIM cho các nước trong khu vực, các thứ trưởng và phó thống đốc đã thảo luận về khả năng phát triển một số công cụ tài chính mới, đặc biệt là Công cụ Hỗ trợ Tài chính nhanh (Rapid Financing Facility - RFF).

Công cụ RFF không đi kèm theo các điều kiện đánh giá trước hoặc đánh giá sau, được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận của các nước đối với các nguồn hỗ trợ từ CMIM trong giai đoạn khủng hoảng, khó khăn về cán cân thanh toán.

Bên cạnh đó, các thứ trưởng và phó thống đốc cũng xem xét các đề xuất thảo luận về lộ trình phát triển các công cụ tài chính và phi tài chính khác trong tương lai.

Nhằm thúc đẩy nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai trong khu vực, ASEAN+3 đã phê duyệt đưa sáng kiến Tài chính ứng phó rủi ro thiên tai (DRF) trở thành một trong các sáng kiến chính thức của Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3. Tại hội nghị lần này, các thứ trưởng và phó thống đốc đã nhất trí về việc thành lập Ban thư ký cho sáng kiến DRF và lộ trình triển khai sáng kiến trong thời gian tới.

Hội nghị cũng xem xét và phê duyệt một số chủ trương định hướng quan trọng cho hoạt động của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), bao gồm: Bổ sung thêm một vị trí Phó giám đốc AMRO; phân bổ lại chức năng nhiệm vụ của các thành viên Ban giám đốc và Kinh tế trưởng; thông qua Kế hoạch hoạt động trung hạn (MTIF) 2024 - 2026 và Kế hoạch nhân sự và ngân sách 2024 của AMRO.

Để chuẩn bị cho năm chủ trì 2024, Bộ Tài chính Lào đã công bố lịch biểu các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN+3 do Lào và Hàn Quốc đồng chủ trì, trong đó Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN+3 dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5/2024, tại Tbilisi, Georgia.