Tổng số vốn ODA được giao trong năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn là trên 410,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trung ương cấp là trên 394,5 tỷ đồng; nguồn vay lại của Chính phủ là 16 tỷ đồng. Hiện nay, 100% số kế hoạch vốn đã được nhập trên hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis).

Bắc Kạn tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn ODA
Công chức Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư. Ảnh minh họa: H.T

Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến ngày 9/5/2022 đạt trên 27,3 tỷ đồng, đạt 6,66% so với tổng kế hoạch giao. Ước đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh sẽ giải ngân được trên 82,1 tỷ đồng, đạt 20% so với kế hoạch.

UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, đối với nguồn vốn trung ương cấp, năm 2022, tỉnh thực hiện 7 dự án chuyển tiếp, đã ký hiệp định vay vốn với nhà tài trợ nước ngoài. Theo cơ chế tài chính của nguồn vốn, để đủ điều kiện giải ngân hết số vốn ODA trung ương cấp nêu trên thì ngân sách địa phương phải bố trí kế hoạch vốn ODA vay lại theo tỷ lệ vay tương ứng của từng dự án, với tổng số tiền là trên 49,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của tỉnh đã được Quốc hội thông qua và Bộ Tài chính giao, tổng số dự toán vay lại của tỉnh năm 2022 là 16 tỷ đồng nên số vốn vay lại còn thiếu tương đối lớn. Nếu không được bổ sung thì tỉnh sẽ không đủ điều kiện để giải ngân hết toàn bộ số vốn được trung ương cấp phát theo kế hoạch.

Đối với dự án Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (vốn vay WB), quy trình thực hiện và giải ngân phức tạp, trải qua nhiều bước, thủ tục đăng ký vốn, do đó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao. Trong khi đó, trong những tháng đầu năm, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc huy động nguồn nhân lực, nguyên vật liệu… dẫn đến chậm tiến độ thực hiện và giải ngân cho các công trình chuyển tiếp.

Tuy nhiên, báo cáo từ UBND tỉnh Bắc Kạn cũng thừa nhận việc chậm giải ngân vốn ODA còn có nguyên nhân cơ bản là một số chủ đầu tư chưa chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện dự án. Một số dự án phải điều chỉnh để tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn nên chưa đủ cơ sở để thanh toán vốn…

Cũng theo báo cáo từ UBND tỉnh Bắc Kạn, hiện tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 của các dự án sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh vẫn chậm. Theo đó, dự kiến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh mới giải ngân được 8,3% tổng số vốn được giao.

Với việc tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu phấn đấu hết tháng 6 tới sẽ vào nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân ở mức trung bình và đến hết năm ngân sách 2022 đạt mục tiêu nằm trong vào nhóm có tỷ lệ giải ngân khá của cả nước.