Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Phương Anh |
Bài 1: Thành lập “doanh nghiệp ma” để sử dụng hóa đơn bất hợp pháp |
Thủ tục đơn giản, thời gian chỉ mất 3 ngày
Chị L.T.H, kế toán trưởng một công ty khoáng sản có trụ sở đóng tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh cho biết, thủ tục thành lập doanh nghiệp mới cho tổ chức, cá nhân hiện nay không khó, thậm chí rất dễ và rất nhanh để có một pháp nhân cho doanh nghiệp mới. Theo đó, thủ tục thành lập doanh nghiệp chỉ cần khai rõ thông tin cá nhân, điều kiện cần thiết để thành lập doanh nghiệp được soạn thảo và nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp thông qua Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Sau đó là các công đoạn: làm con dấu, đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số, khai thuế ban đầu, mở tài khoản ngân hàng. Theo chị L.T.H, thời gian qua chị đã từng giúp bạn bè, hướng dẫn doanh nghiệp khác ngành, khác lĩnh vực sản xuất, kinh doanh làm thủ tục hồ sơ, cách thức xin thành lập, cấp phép cho doanh nghiệp rất nhiều lần.
Mua, bán trái phép hóa đơn phạt tù từ 1 - 5 nămĐiều 203 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với mức hình phạt tù cao nhất phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Điều 200 - Tội trốn thuế, phạt tù từ 2 năm đến 7 năm". |
Luật sư Nguyễn Thanh Nguyên - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, mức phí chung cho một giấy phép nếu qua trung gian trung bình từ 3 - 5 triệu đồng. Trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu cao đối với Điều lệ công ty, hoặc cần thành lập công ty nhanh hơn 3 ngày làm việc thì mức phí có thể lên đến 10 triệu đồng tuỳ thuộc vào độ phức tạp, chi tiết của điều lệ và thời gian kỳ vọng nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thời gian thực hiện 3 ngày trong trường hợp toàn bộ hồ sơ hợp lệ (Khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020).
Trên thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cũng giải quyết hồ sơ trong 3 ngày làm việc, trường hợp khách hàng cần sớm hơn, nếu khách hàng đồng ý thì người nộp hồ sơ sẽ vận động hành lang dẫn đến tăng phí dịch vụ theo kiểu “đại lý làm hồ sơ cấp phép”, hoặc “cò cấp phép” theo cách gọi dân dã của nhiều người. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh lẻ, số lượng doanh nghiệp và nhịp kinh doanh chậm hơn, nên chuyên viên có thể xử lý hồ sơ nhanh hơn.
Lợi dụng sự thông thoáng để trốn thuế
Nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thời gian qua tại không ít các tỉnh, thành trong cả nước đã xuất hiện tình trạng các đối tượng phạm pháp. Lợi dụng sự thông thoáng trong cải cách thủ tục hành chính về cấp phép thành lập doanh nghiệp, các đối tượng đã thành lập “doanh nghiệp ma” để thực hiện hành vi trái pháp luật, thu lợi bất chính.
Thủ đoạn của các đối tượng là mua lại công ty do người khác thành lập, hoặc lấy căn cước công dân của nhiều cá nhân rồi đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm sử dụng, bán hoá đơn giá trị gia tăng trái phép. Để bán được nhiều hoá đơn, các đối tượng lập nick Facebook với nhiều tên khác nhau lên mạng rao bán hóa đơn nhằm che giấu tung tích, lai lịch bản thân.
Theo các chuyên gia, chiêu trò này không mới, nhưng thường xuyên xuất hiện với tần suất lớn, chưa xử lý xong vụ này đã tới vụ khác. Thực trạng trên không chỉ phổ biến trong khu vực phía Nam, mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước. Không chỉ gây bức xúc trong xã hội, mà còn tạo sự xung đột lợi ích, làm giảm niềm tin, thiếu đi sự minh bạch, công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng nên bị các đối tượng xấu lợi dụng?
Luật sư Đỗ Đăng Khoa - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau, nhưng nguyên nhân chủ yếu là các đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng, dễ dàng trong việc thành lập doanh nghiệp và đăng ký phát hành hóa đơn, tự kê khai và nộp báo cáo thuế; trong đó, nguyên nhân chính để các đối tượng phạm pháp kiếm tiền từ việc bán hóa đơn khống; với bên mua hóa đơn “khống” là để được tính chi phí đầu vào, qua đó giảm bớt số tiền thuế phải nộp như: thuế GTGT, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp, được khấu trừ, hoàn thuế…
LUẬT SƯ NGUYỄN THANH NGUYÊN - ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH: Dấu hiệu nhận biết “doanh nghiệp ma” Cách kiểm tra nhận biết doanh nghiệp thành lập ảo chính là việc kiểm tra tình trạng hoạt động và thông tin của doanh nghiệp được công bố trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và trang thông tin của cơ quan thuế. Các trường hợp cần nghi vấn: người đại diện theo pháp luật không phải người trực tiếp tiến hành giao dịch, điều hành hoạt động kinh doanh; người điều hành doanh nghiệp và cổ đông/thành viên của công ty rất trẻ trong khi quy mô vốn điều lệ của công ty lớn; doanh nghiệp sử dụng trụ sở là cơ sở cho thuê văn phòng ảo; doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ nhưng không cung cấp hoá đơn giá trị gia tăng; doanh nghiệp bị cơ quan thuế cập nhật tình trạng hoạt động là “không hoạt động tại trụ sở”; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đồng thời làm đại diện theo pháp luật cho rất nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại địa phương khác; vốn điều lệ của doanh nghiệp cao bất thường. Hoặc thường xuyên tra cứu doanh nghiệp tại danh sách người nộp thuế nợ thuế và các khoản thu ngân sách được UBND các tỉnh, thành phố hoặc chi cục, cục thuế địa phương công bố. |
Các vụ vi phạm về hoá đơn có chiều hướng gia tăng thời gian qua có nhiều lý do, nhưng chủ yếu các đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng, dễ dàng trong việc thành lập doanh nghiệp và đăng ký phát hành hóa đơn, tự kê khai và nộp báo cáo thuế; đặc biệt là việc thành lập doanh nghiệp và đăng ký, chủ động phát hành hóa đơn có thể nhanh chóng thực hiện qua online, chữ ký số, hóa đơn điện tử. Để kiểm soát, ngăn chặn vấn nạn thành lập “doanh nghiệp ma” để bán hóa đơn, thu lợi bất chính cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ban, ngành chức năng. Việc cải cách thủ tục hành chính, số hóa để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia thị trường là tất yếu, đi kèm với đó sẽ tạo ra kẽ hở, vậy nên cần phải “tiền đăng, hậu kiểm”, đặc biệt là hậu kiểm ngay từ khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động. Gia Cư (lược ghi) |