PV: Được biết, Việt Nam hiện nay có Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam hoạt động theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, vậy quyền của người gửi tiền được đảm bảo như thế nào theo quy định của luật này?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (các ngân hàng, tổ chức tín dụng).

Bảo hiểm tiền gửi bắt buộc là phù hợp với thực tiễn nền kinh tế Việt Nam
TS. Nguyễn Hữu Huân

Cụ thể, số tiền bảo hiểm được trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm của 1 người tại 1 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm được Chính phủ quy định.

Khi phát sinh tình huống bảo hiểm, trong thời hạn 10 ngày làm việc, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm bao gồm văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm, danh sách người được bảo hiểm tiền gửi, số tiền gửi của từng người được bảo hiểm tiền gửi và số tiền bảo hiểm đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả.

PV: Quy định bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam có gì khác so với các nước trên thế giới không, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Luật Bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam thực hiện theo hình thức bắt buộc. Theo đó, các tổ chức tín dụng đều phải trích một phần chi phí hoạt động để mua bảo hiểm cho các khoản tiền gửi của các khách hàng cá nhân gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng đó; bao gồm các loại tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trên thế giới, một số quốc gia cũng áp dụng mô hình bảo hiểm tiền gửi bắt buộc giống như Việt Nam, nhưng cũng có một số nước sử dụng mô hình bảo hiểm tiền gửi tự nguyện.

PV: Với các nước có mô hình bảo hiểm tiền gửi tự nguyện, hình thức tổ chức thực hiện sẽ như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Với mô hình tự nguyện, các tổ chức tín dụng không bị bắt buộc mua bảo hiểm tiền gửi cho tất cả các khách hàng mà luật trao quyền tự quyết định cho khách hàng về việc họ có cần mua bảo hiểm cho khoản tiền gửi của mình hay không.

Các tổ chức tín dụng phải trích một phần chi phí để mua bảo hiểm cho các khoản tiền gửi của khách hàng gửi bằng đồng Việt Nam.
Các tổ chức tín dụng phải trích một phần chi phí để mua bảo hiểm cho các khoản tiền gửi của khách hàng gửi bằng đồng Việt Nam.

Theo đó, những người có nhu cầu được bảo hiểm tiền gửi họ sẽ đóng phí bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm để bảo hiểm khoản tiền gửi của họ tại một tổ chức tín dụng nào đó. Tiền phí bảo hiểm sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của tổ chức mà họ gửi tiền, cụ thể với những tổ chức tín dụng có xếp hạng tín nhiệm cao thì phí bảo hiểm sẽ thấp và ngược lại.

Ở một số nước có nền kinh tế thị trường phát triển, độ mở lớn, bảo hiểm không chỉ áp dụng cho tiền gửi ngân hàng mà thị trường còn có cả những sản phẩm bảo hiểm cho các công cụ tài chính khác như bảo hiểm trái phiếu, bảo hiểm cổ phiếu... Theo đó, nhà đầu tư khi mua cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp nếu lo ngại rủi ro có thể mua thêm sản phẩm bảo hiểm cho các công cụ tài chính đó.

PV: Theo ông, Việt Nam có nên thực hiện mô hình bảo hiểm tiền gửi theo hình thức tự nguyện như ở một số nước khác hay không?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Để tạo niềm tin cho người gửi tiền thì việc áp dụng hình thức bảo hiểm tiền gửi bắt buộc như Việt Nam đang thực hiện là phù hợp với thực tế nền kinh tế và trình độ nhận thức của người dân. Bởi lẽ, bảo hiểm tiền gửi nếu thực hiện theo hình thức tự nguyện nếu áp dụng vào lúc này thì có thể sẽ rất ít người dân tham gia mua bảo hiểm và như vậy thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ không có nguồn kinh phí đủ lớn để duy trì hoạt động hiệu quả. Lưu ý là hiện tại ở Mỹ vẫn có tổ chức bảo hiểm tiền gửi liên bang được thành lập bởi Quốc hội Mỹ và đóng vai trò tương tự như tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam, số tiền bảo hiểm tối đa cho 1 cá nhân tại 1 tổ chức tín dụng cũng có quy định cụ thể như tại Việt Nam.

Quy trình chi trả bảo hiểm tiền gửi

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra theo quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi; thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên 3 số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.

PV: Nếu so sánh 2 loại mô hình bảo hiểm tiền gửi bắt buộc như ở Việt Nam hay hình thức bảo hiểm tiền gửi tự nguyện như một số nước thì theo ông, hình thức nào ưu việt hơn?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi không có mô hình nào là hoàn hảo trong mọi tình huống. Mô hình bảo hiểm tự nguyện có thể rất phù hợp với một số nền kinh tế có tính thị trường cao, độ mở lớn và thường có tác dụng tốt trong việc kích thích các hoạt động kinh tế tự vận hành theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, mô hình này đôi khi lại kém hiệu quả hơn trong những điều kiện có rủi ro và khủng hoảng.

Trong khi đó, đã có một số công trình nghiên cứu cho thấy, mô hình có sự kiểm soát mạnh trong điều kiện bình thường, mặc dù phần nào có tính hành chính, nhưng lại thường có hiệu quả tốt hơn khi phải đối phó với những tình huống khủng hoảng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền

Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội ban hành năm 2012, trong đó, mục đích của bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Theo đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã có những quy định cụ thể về cơ chế hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, thể hiện vai trò quan trọng đối với sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hoạt động ngân hàng và xử lý khủng hoảng tài chính.

Trước đây chưa có Luật Bảo hiểm tiền gửi, chính sách bảo hiểm tiền gửi chủ yếu được thể hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và bộ, ngành. Sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời và có hiệu lực từ năm 2013, vai trò của bảo hiểm tiền gửi đã được nâng lên một bước. Bên cạnh việc kế thừa các quy định phù hợp trước đây, chính sách bảo hiểm tiền gửi đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, thể hiện tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các nội dung của Luật cũng được xây dựng trên cơ sở bảo đảm phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta, đặc biệt là các điều kiện về sự phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn, sự phát triển của hệ thống ngân hàng, mức độ hiểu biết, thói quen tiết kiệm của người dân.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ban hành từ năm 2017 cũng đã trao thêm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi vai trò tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Cụ thể, tổ chức này còn có thể cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt…