Ngày 26/5, Đoàn công tác văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 65 và Chỉ thị 13 ban hành trong tháng 5/2025.
![]() |
Hệ thống kho bãi chứa hàng hóa ở Bình Dương. Ảnh minh họa |
Trong 5 tháng đầu năm, lực lượng chức năng kiểm tra gần 2.000 vụ, xử lý 465 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 18 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu ở các đô thị lớn như Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, liên quan đến hàng nhập lậu, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm.
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Bình Dương, trong 5 tháng qua đã phát hiện 163 vụ vi phạm, giảm 31,8% so với cùng kỳ, xử lý 175 đối tượng; trong đó có 102 vụ liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tổng giá trị hàng hóa tạm giữ khoảng 65 tỷ đồng. Đã xử phạt hành chính 139 vụ, khởi tố 17 vụ với 26 bị can.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện, xử lý 11 vụ buôn bán pháo nổ trái phép, thu giữ 354 kg pháo và xử lý nghiêm 22 đối tượng liên quan.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Dù không giáp biên giới, nhưng với vị trí giao thông thuận lợi, hệ thống kho bãi dày đặc và mật độ doanh nghiệp lớn, Bình Dương là điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc của ban chỉ đạo 389 quốc gia với lãnh đạo UBND tỉnh và ngành chức năng tỉnh Bình Dương: Ảnh: TTXVN |
Đáng chú ý, các đối tượng ngày càng tinh vi khi lợi dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng để buôn bán hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc. Việc sử dụng tài khoản ảo, kho hàng ẩn danh trong khu dân cư khiến việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn.
Trong khi đó, công tác phối hợp chống buôn lậu, hàng giả còn nhiều hạn chế do pháp luật chồng chéo, thiếu quy định cụ thể với hàng nhạy cảm như thuốc lá, xăng dầu, thực phẩm chức năng. Việc phối hợp liên ngành chưa hiệu quả, trong khi nhân sự bị phân tán. Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử trong khi thiếu công cụ kiểm soát khiến tội phạm dễ dàng xóa dấu vết.
Dự báo thời gian tới, tình hình tiếp tục phức tạp, nhất là trong thương mại điện tử. Bình Dương sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra theo chỉ đạo Chính phủ, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao nhận thức cộng đồng và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Các hành vi vi phạm phổ biến là buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả số lượng lớn. Đối tượng lợi dụng pháp nhân doanh nghiệp, mạng xã hội, thương mại điện tử để buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... gây khó khăn lớn cho kiểm tra, xử lý.
Một số thủ đoạn mới được ghi nhận như lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, gian lận xuất xứ, rút ruột hàng quá cảnh để trốn thuế. Đối tượng sử dụng mạng xã hội để livestream bán hàng vi phạm, giao hàng tận nơi qua dịch vụ công nghệ.
Công tác kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn do một số mặt hàng không có đại diện sở hữu tại Việt Nam, hoặc đại diện không hợp tác do lo ngại ảnh hưởng doanh thu. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế giám sát hiệu quả các tài khoản mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, trong khi tổ chức bộ máy các lực lượng chức năng thay đổi sau ngày 1/3/2025 làm giảm hiệu quả kiểm tra.
Sau khi phân tích đánh giá làm rõ nguyên nhân, đoàn công tác ban chỉ đạo 389 quốc gia và lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề ra nhiều giải pháp. Theo đó trong tháng 6 và những tháng cuối năm sẽ tập trung kiểm tra chặt hệ thống kho bãi, siết quản lý đầu vào, phối hợp chặt giữa các đơn vị, tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực cán bộ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhằm ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiếp tục bám sát chỉ đạo, chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức lực lượng phù hợp, điều tra, xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp để tạo hiệu ứng răn đe. Đồng thời, các địa phương cần rà soát khó khăn về vật chất, nhân lực để kiến nghị; tăng cường phối hợp lực lượng, tuyên truyền nâng cao nhận thức; siết chặt thanh tra, kiểm tra công vụ; báo cáo liên tục, nhanh chóng, kịp thời và đặc biệt là sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh để thể hiện quyết tâm chính trị trong giai đoạn mới.
Dù không giáp biên giới, nhưng với vị trí giao thông thuận lợi, hệ thống kho bãi dày đặc và mật độ doanh nghiệp lớn, Bình Dương là điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho hoạt động buôn lậu. |