Hoạt động xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

Hoạt động xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) khi đề cập vấn đề này với phóng viên TBTCVN.

* PV: Bộ NN&PTNN là đơn vị có số lượng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung rất lớn, vậy đến nay tiến độ thực hiện ra sao thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNN phải xem xét sửa đổi, bổ sung 49 văn bản, đến nay chúng tôi đã sửa đổi được 12 thông tư; 3 thông tư được giải trình đề xuất không sửa đổi, bổ sung vì những văn bản này đáp ứng được yêu cầu đề ra tại Quyết định 2026/QĐ-TTg.

Với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ NN&PTNN sẽ ban hành văn bản theo chuỗi, càng ít văn bản càng tốt để tạo điều kiện cho cơ quan quản lý dễ dàng thực hiện và đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục cho người dân, doanh nghiệp (DN), đối tượng chịu sự tác động của văn bản.

Đối với chùm văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y liên quan đến kiểm dịch động vật trên cạn và sản phẩm động vật thủy sản đang được hướng dẫn thực hiện bằng 4 thông tư sẽ được gom lại còn 2 thông tư. Bộ NN&PTNN đang tiếp thu ý kiến thẩm định và gấp rút hoàn thiện, dự kiến ban hành trong tháng 8/2016.

Khi ban hành 2 thông tư nêu trên, đồng nghĩa với việc Bộ NN&PTNN hoàn thành chùm văn bản hướng dẫn Luật Thú y, gồm có 1 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 10 thông tư. Đây là khối lượng công việc lớn, thực sự mang tính đột phá trong quá trình xây dựng văn bản từ trước đến nay của Bộ NN&PTNN.

Đối với Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ trong tháng 8/2016. Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi đang được tiến hành sửa đổi, và cũng trình Chính phủ trong tháng 8/2016.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh

Bà Nguyễn Thị Kim Anh

* PV: Thưa bà, trong 49 văn bản cần sửa đổi, bổ sung nêu trên, có 27 văn bản liên quan đến danh mục cần công bố kèm mã HS (mã hàng hóa) đối với sản phẩm nông nghiệp. Vậy số văn bản này đang được cải cách theo hướng nào?

- Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Đối với 27 văn bản này, chúng tôi đang tiến hành rà soát và co lại còn 3 thông tư. Trong đó, 23 văn bản liên quan tới danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, danh mục cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu hiện hành sẽ được rút gọn trong 1 thông tư.

Về danh mục thức ăn chăn nuôi, danh mục hóa chất kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi, gia súc, gia cầm tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cũng chỉ ban hành 1 thông tư...

* PV: Việc gấp rút hoàn thiện khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn có làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả văn bản, thông tư khi đưa vào thực tế không, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Bộ NN&PTNT rất quan tâm chỉ đạo đến chất lượng văn bản, hơn nữa các đối tượng chịu sự tác động của văn bản (người dân, doanh nghiệp, các tổ chức) hiện nay rất nhiệt tình tham gia. Cộng đồng DN đã có trách nhiệm và chủ động hơn đến quá trình đóng góp ý kiến hoàn thiện văn bản của các bộ, ngành.

Những ý kiến phản biện của DN rất hữu ích, giúp chúng tôi có cái nhìn nhiều chiều và đưa ra được những văn bản, chính sách phù hợp với thực tiễn, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT dự kiến đề nghị ban hành: 2 nghị định, 6 thông tư để hướng dẫn, thay thế 37 văn bản, thông tư hiện hành theo Quyết định 2026/QĐ-TTg đề xuất phải sửa đổi, bổ sung.

Bảo Châu - Hải Anh (thực hiện)