Chiều 24/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Cần chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực phát triển

Trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo nghị quyết được xây dựng trên quan điểm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Khánh Hòa, theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi trong thực tiễn. Nội dung đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các luật hiện hành, hoặc chưa được quy định cụ thể; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.

Bổ sung ưu đãi thu hút nhà đầu tư đến Khánh Hòa
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.

Dự thảo nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn phát triển mới; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh Khánh Hòa; đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh.

Dự thảo nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Để tạo đột phá và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Khu Kinh tế Vân Phong, dự thảo quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, cụ thể: quy định danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với định hướng ngành nghề quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW; điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược; nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế…

Nhiều ưu đãi về quản lý tài chính

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về các chính sách tương đồng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với các chính sách về quản lý tài chính, ngân sách, quy hoạch; đất đai tương tự như các địa phương khác vừa được Quốc hội cho phép thực hiện. Cụ thể: hàng năm ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu NSTW từ một số khoản thu phân chia và một số khoản thu NSTW hưởng 100% so với dự toán.

Ngoài ra, cho phép tỉnh Khánh Hòa được vay không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; tỉnh được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện nghị quyết này; Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị trong tổ chức thực hiện phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm tính chặt chẽ, tránh xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến người dân và uy tín của các cấp chính quyền.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, chú trọng diện tích rừng, vì đây là một trong các biện pháp để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý tỉnh về ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh cần giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện để tránh lợi dụng chính sách. Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để có thể bổ sung một số ưu đãi khác thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược (như cơ chế cho phép thực hiện khấu hao nhanh hơn so với quy định hiện hành…).

Về thẩm quyền giao khu vực biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong tổ chức thực hiện, tránh lợi dụng.

Cho ý kiến tại tổ về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao, tạo điều kiện để Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh này, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Có đại biểu còn băn khoăn về cơ chế chính sách, mức phân cấp cho tỉnh này, cần phải mạnh mẽ hơn, ít nhất là cũng tương đồng với một số tỉnh./.