Theo kế hoạch, các đơn vị thực hiện thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung chủ động rà soát, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp, ổn định, bình đẳng, công khai, minh bạch, làm cơ sở để tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ vốn đầu tư công và tài sản công.

Đồng thời, các đơn vị thi đua đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng của cả nước và của Bộ Tài chính. Theo đó, coi tham gia phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi tập thể, cá nhân; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong kiểm soát giải ngân vốn đầu tư công tại Kho bạc Nhà nước của các dự án xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng.

Bộ Tài chính thi đua phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ảnh: Minh họa.

Kế hoạch nêu rõ, các đơn vị thi đua lao động sáng tạo, đảm bảo thời hạn kiểm soát giải ngân vốn đầu tư công tại Kho bạc Nhà nước của các dự án xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng theo đúng Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước, trong đó bao gồm các dự án xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng tại hệ thống Kho bạc Nhà nước…

Trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua; tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, quy định nhằm góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các đơn vị thi đua thực hành triệt để tiết kiệm trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách Nhà nước; chống tham ô, lãng phí trong mua sắm, sử dụng tài sản của Nhà nước, cơ quan, đơn vị; xây dựng phương án tiết kiệm ngay từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm việc mua sắm tập trung theo quy định; các quy định về công khai, minh bạch... trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 – 2025…

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm phổ biến, quán triệt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung kế hoạch triển khai phong trào thi đua này./.

Triển khai phong trào từ năm 2022-2030

Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030, chia thành các giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025; Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030.