Thu ngân sách cả năm ước vượt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với dự toán.

Thu ngân sách cả năm ước vượt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với dự toán.

Mặc dù vậy, vẫn còn những hạn chế mà chúng ta cần phải tập trung khắc phục, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận xét, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề phiên họp Quốc hội mới đây.

PV: Qua các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội vừa qua, ông đánh giá thế nào về tình hình ngân sách hiện nay của chúng ta?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nội tại, tôi cho rằng tình hình ngân sách như báo cáo của Chính phủ vừa qua có thể coi là tích cực, đáng khích lệ. Kỷ luật, kỷ cương tài chính được tăng cường một bước. Cơ cấu ngân sách bền vững hơn. Tổng thu ngân sách cả năm ước vượt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 23,7% GDP. Đây là một kết quả đáng ghi nhận, năm thứ tư liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương cũng là năm thứ hai vượt dự toán.

Cùng với đó, chi ngân sách được điều hành tích cực, chi đầu tư phát triển bố trí năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ chi thường xuyên giảm sâu. Các chỉ số về bội chi và nợ công giảm, thể hiện sự an toàn hơn.

Tran Van Lam

Đại biểu Trần Văn Lâm

Tốc độ tăng nợ công cũng giảm hơn một nửa, nợ công được cơ cấu lại tích cực… Đây là những tín hiệu tốt về tình hình tài chính quốc gia, giúp đảm bảm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính bền vững của hệ thống tài chính và các cân đối lớn của nền kinh tế.

PV: Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ và của Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng nêu ra những hạn chế, tồn tại. Ông quan tâm đến vấn đề nào trong những hạn chế này?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Đúng như vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề phải quan tâm để làm tốt hơn, như: Tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm; cơ cấu lại chi đầu tư công chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu lại chi thường xuyên hạn chế do chậm đổi mới khu vực sự nghiệp công; nợ công giảm nhưng vẫn còn nhiều rủi ro; thu từ 3 khu vực kinh tế chưa đạt dự toán… Trong đó, tôi thấy nổi lên vấn đề là thu từ 3 khu vực kinh tế chưa đạt dự toán, là điều đã xảy ra vài năm gần đây.

Theo tôi, điều này không hẳn do hạn chế trong hành thu mà nguyên nhân chính là sức ép về chỉ tiêu thu trong khi chính sách thu của chúng ta chậm được điều chỉnh. Trong khi chúng ta phải thực hiện nhiều cam kết quốc tế khi hội nhập, liên quan đến giảm thuế ở nhiều lĩnh vực, thì những điều chỉnh về chính sách thu để bù đắp lại chưa được kịp thời, khiến yêu cầu về thu bị dồn vào 3 khu vực thu này, nên dự toán thường khá cao so với thực tiễn. Theo tôi, đây là nguyên nhân chính khiến thu từ 3 khu vực này không đạt kế hoạch đề ra.

PV: Vậy ông đánh giá thế nào về công tác hành thu, công tác quản lý thu thuế thời gian qua?

Đại biểu Nguyễn Văn Lâm: Những kết quả vừa qua cho thấy ngành Tài chính đã cố gắng rất cao trong việc thu đúng, thu đủ, đảm bảo chế độ chính sách trong lĩnh vực này để huy động cho ngân sách.

Trong đó, đặc biệt là cơ quan thuế, hải quan đã tích cực ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa công tác quản lý, vừa đảm bảo chặt chẽ vừa tạo ra cơ chế thông thoáng hỗ trợ DN, giảm chi phí và thời gian như triển khai nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thông quan điện tử... Các cơ quan này cũng có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại… Chẳng hạn vừa qua, tỷ lệ thu hồi nợ đọng thuế đã tăng đáng kể. Mặc dù nợ đọng thuế trên tổng thu ngân sách vẫn tăng nhưng so với sự gia tăng của thu ngân sách thì mức tăng tỷ lệ nợ đọng vẫn thấp hơn mức tăng thu. Điều này cho thấy nỗ lực của ngành Thuế trong triển khai các giải pháp để quản lý thu tốt hơn. Cùng với đó, ngành cũng rất tích cực sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý.

PV: Chính phủ mới đây trình Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Ông có đồng tình với nội dung này?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Tôi cho rằng việc xử lý nợ thuế như Chính phủ trình là cần thiết. Từ năm 2020, chúng ta sẽ thực hiện theo Luật Quản lý thuế mới, nhiều vấn đề tồn tại về xử lý nợ thuế sẽ được giải quyết trong luật mới. Tuy nhiên, những tồn đọng từ trước đến thời điểm luật này áp dụng thì cần có phương án xử lý.

Vấn đề là số nợ đó cũng không phản ánh bức tranh thực chất của nền kinh tế. Khi nhìn vào một bức tranh phản ánh không đúng thực chất thì chắc chắn sẽ khó có các chính sách đúng đắn. Trong số nợ đọng thuế cần được xử lý, chủ yếu là những khoản nợ không còn khả năng thu, nhưng vẫn treo ở đó khiến tiền phạt chậm nộp cứ tiếp tục tăng theo cấp số nhân, theo quy định mức phạt chậm nộp là 0,03%/ngày. Như vậy chỉ gây tốn kém, khó khăn cho công tác quản lý và khó đánh giá đúng về tình hình thu ngân sách. Do vậy, tôi tán thành việc xử lý những tồn tại cũ để bước vào một giai đoạn quản lý thuế mới, phù hợp và đồng bộ.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

H.Y (thực hiện)