Một vùng ngập lụt bên sông Thao. Ảnh: Báo Tiền Phong |
Thôi thúc trái tim
Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão hoành hành tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tính đến 22 giờ ngày 9/9, tổng số người chết và mất tích lên đến 98 người. Hàng ngàn căn nhà bị hư hỏng. Hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu bị hư hại, cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Mức thiệt hại trên là quá lớn và chưa từng có do bão lũ gây ra trong nhiều thập kỷ qua.
Mấy ngày qua, với tôi và chắc hẳn với rất nhiều người luôn là những khảnh khắc chập chờn, thao thức. Đặc biệt là những khoảnh khắc khi xem những hình ảnh đoàn xe ô tô che chắn cho người đi xe máy tránh hiểm họa của bão khi qua cầu Nhật Tân; là khoảnh khắc chiếc xe ô tô đang di chuyển đến mố cầu… đột nhiên bị rơi xuống sông ở Phú Thọ; rồi cảnh VTV chiếu hình ảnh người cứu hộ ném gói mỳ tôm cho một người cao tuổi khoét mái nhà kêu cứu nhưng bị tuột khỏi tay… Tôi đã khóc và rất nhiều lần khóc nữa.
Dễ hiểu thôi, con người mà, đồng bào mình mà, không xúc động sao được. Và càng nghĩ càng thấy xúc động hơn khi còn hàng chục người còn đang được cho là mất tích, hàng nghìn người đang không có chỗ ở ổn định, không tránh khỏi đói, khát, ốm đau cục bộ… đang rất cần sự hỗ trợ gấp cho nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt. Điều này đã thôi thúc trái tim tôi cần phải hành động gì, “ngay và luôn” dù rất nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa?
Trước hết dùng tất cả những thông tin lưu trữ trong điện thoại, về các mối quan hệ gia đình, bạn bè để động viên, thăm hỏi, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn. Tham gia nhóm thiện nguyện chính thống quyên góp ủng hộ đột xuất cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do bão, lũ.
Chờ và sẵn sàng nhiệt tình tham gia phát động ủng hộ đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức từ thiện với tinh thần “một nắm khi đói bằng một gói khi no”, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, cùng hỗ trợ để giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.
Cần lắm sự kịp thời
Trước những thiệt hại nghiêm trọng về người và vật chất do bão lũ gây ra tại các tỉnh, thành phía Bắc, ngày 9/9, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đã cử 4 đoàn công tác đến thăm hỏi các tỉnh, thành phố phía Bắc, đặc biệt là các gia đình có người thân mất trong bão, lũ.
Để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, động viên các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, TP. Đà Nẵng hỗ trợ khoảng 25 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cử 2 đội công tác hỗ trợ cắt, tỉa, dọn dẹp cây xanh theo đề nghị của thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
Ngành Giáo dục TP. Đà Nẵng phát động quyên góp ủng hộ đồng bào, học sinh vùng lũ phía bắc. Ảnh: CTV |
Phát huy truyền thống đoàn kết và đạo lý “lá lành đùm lá rách”, ngành giáo dục Đà Nẵng đã có công văn đề nghị các đơn vị giáo dục nhanh chóng tổ chức phát động, kêu gọi cán bộ quản lý, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, học sinh, học viên tại tất cả các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố mở rộng tấm lòng nhân ái, quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố bị thiệt hại bởi Cơn bão số 3 nói chung, ngành giáo dục và đào tạo các địa phương này nói riêng.
Ngày 9/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-MTTQ-BTT về việc hỗ trợ nhân dân các tỉnh, thành phố khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Theo đó, trích từ Quỹ “Cứu trợ” thành phố Hà Nội số tiền 51 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân 11 tỉnh, thành phố. Ủy ban MTTQVN TP. Hà Nội cũng đã ngay lập tức kêu gọi phát động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ. Thời gian tiếp nhận từ nay đến hết ngày 31/10/2024.
Cũng trong ngày 9/9, một đội gồm 60 tình nguyện viên phản ứng nhanh của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm những người rất có kinh nghiệm cộng đồng trong dại dịch Covid-19 đã cấp tốc lên đường bằng tàu hỏa tới Hải Phòng để hỗ trợ địa phương này khắc phục hậu quả bão số 3. |
Công ty cây xanh, môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cử ngay 15 công nhân có kinh nghiệm xử lý cây bị sự cố đến với Hà Nội cùng tham gia khắc phục hậu quả.
Tại Quảng Bình, một doanh nghiệp chuyên tổ chức các tour du lịch tại các địa phương đã cử 46 nhân viên lên đường ra Bắc tăng cường hỗ trợ vùng lụt bão.
Với tinh thần tương thân tương ái, Báo Sài Gòn Giải Phóng kêu gọi bạn đọc ở mọi miền đất nước cũng như đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chung tay trợ giúp đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt. Báo Sài Gòn Giải Phóng làm cầu nối tiếp nhận tiền và vật phẩm ủng hộ người dân chịu thiệt hại bởi bão, lũ qua các hình thức chuyển khoản và trực tiếp.
Hy vọng và chắc chắn những phong trào phát động, những hành động đẹp, nghĩa cử đẹp của các tổ chức, nhân dân sẽ nhân lên và tiếp tục lan tỏa nhanh. Cùng với đó, danh sách quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lụt bão phía Bắc sẽ tiếp tục dài thêm từng giờ, từng ngày.
Sau đại dịch Covid-19, tình người trong đại dịch, nghĩa cử đồng bào trong lụt bão tiếp tục được thổi bùng, phát huy mạnh mẽ, không chỉ với người dân Việt mà cả người Việt ở nước ngoài hướng về quê hương. Tất cả vì mục tiêu: không ai bị thiếu ăn, thiếu chỗ ở, thiếu thuốc chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau./.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, chiều nay 10/9, tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ phát động và kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài chung tay, góp sức, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, cùng hỗ trợ để giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. |