Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017

Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017

Hạn chế chi khi không xác định được nguồn thu

Hầu hết các ý kiến tại diễn đàn tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề trọng tâm gồm: Vai trò của tài chính công trong phát triển bền vững và sự cần thiết phải đổi mới tài chính công cho phát triển bền vững; nhận diện và phân tích những khó khăn, thách thức, rủi ro đang đặt ra với nền tài chính công của Việt Nam trong bối cảnh cần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững; làm rõ xu thế và kinh nghiệm của các nước trong cải cách, đổi mới tài chính công nhằm mục tiêu phát triển bền vững, qua đó, rút ra các bài học cho Việt Nam trên các mặt như quản lý chi ngân sách, thu ngân sách và quản lý nợ công…

Theo ông Aaron Batten - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hiệu quả đầu tư công của Việt Nam ở top thấp nhất trong khu vực và Việt Nam cũng là nước đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) cho hạ tầng lớn nhất trong khu vực. “Nếu vẫn kéo dài thế này, ngân sách sẽ không đảm đương được và Việt Nam cũng sẽ không đáp ứng được cơ sở hạ tầng nếu không thu hút được vốn đầu tư tư nhân”, ông Aaron Batten.

PGS.TS.Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến đổi mới tư duy về đầu tư công dựa trên việc đáp ứng các nhu cầu của phát triển bền vững. Ông Thắng cho rằng, trước mắt cần ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu, có tính lan tỏa trong các vùng, miền. Vốn NSNN như là vốn “mồi” để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.

TSKH. Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội khuyến nghị cần cơ cấu lại chi NSNN, cải cách căn bản phương thức quản lý NSNN; hình thành cơ chế phù hợp để gắn kết giữa việc xác định nhu cầu chi ngân sách với khả năng động viên ngân sách, hạn chế việc mở rộng các chính sách chi mới trong khi chưa xác định được nguồn thu để đảm bảo.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động NSNN cho chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, đồng thời xây dựng hệ thống định mức, tiêu chí và phương pháp xác định và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Rà soát, hoàn thiện, tăng cường hiệu quả bố trí cơ cấu chi, phân bổ và sử dụng vốn; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phân bổ và sử dụng vốn NSNN, các công trình, dự án sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh; công khai, minh bạch và thắt chặt kỷ cương tài khóa.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình với các diễn giả khi đề cập tới kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư công. Thứ trưởng cho rằng, tỷ lệ đầu tư công so với đầu tư xã hội cao… và hệ số đầu tư tăng trưởng (Icor) quá lớn, vấn đề phân tán, lãng phí, kết hợp đầu tư công tư PPP, hay chưa xây dựng thể chế chính sách phù hợp đã để lại hậu quả, không tạo được tiền đề phát triển.

Hệ thống thuế của Việt Nam là “vì người nghèo”

Trình bày các nhóm giải pháp về cải cách nền tài chính công tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, TS Nguyễn Thành Long đã nhấn mạnh việc cải cách thu ngân sách, cải cách hệ thống thuế.

Theo TS Nguyễn Thành Long, kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công năm 2008, xu thế quốc tế hiện giảm dần thuế trực thu, tăng dần vai trò thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế hàng hóa. Các quốc gia đều muốn sử dụng công cụ này để kích thích doanh nghiệp (DN) tăng trưởng, tạo đà cho nền kinh tế hồi phục.

TS Long khuyến nghị, Việt Nam cũng cần tiếp tục cân nhắc tăng tỷ lệ động viên từ các sắc thuế gián thu, thuế tiêu thụ để lành mạnh hóa và bền vững ngân sách. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế trực thu bảo đảm công bằng, hiệu quả, hiệu lực, đơn giản, minh bạch và xu hướng là giảm dần loại thuế này để kích thích đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng cho DN. Rà soát giảm dần các chính sách ưu đãi thuế không còn hợp lý. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống gian lận, thất thu thuế.

Cùng quan điểm về cải cách hệ thống thuế vì mục tiêu tăng trưởng và bền vững ngân sách, ông Sebastian Eckardt, kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho biết, xu hướng toàn cầu là chuyển từ thuế thu nhập sang thuế tiêu thụ. “Các sắc thuế tiêu thụ hiện nay của chúng ta vẫn còn dư địa tăng, chẳng hạn như các loại thuế đối với hàng hóa có hại cho xã hội. Mức thuế GTGT chuẩn hiện của Việt Nam vẫn đang thấp ở mức đáy so với khu vực. Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng ở mức rất cạnh tranh so với khu vực, tuy nhiên cơ sở tính thuế lại đang bị thu hẹp do các chính sách ưu đãi”, ông Sebastian Eckardt nói.

Liên quan đến tác động khi điều chỉnh chính sách thuế gián thu, chuyên gia của WB lưu ý rằng việc đánh giá ảnh hưởng phải đặt trong bối cảnh chung về cải cách tổng thể các chính sách thuế. Theo phân tích của WB, hệ thống thuế của Việt Nam vẫn mang tính “vì người nghèo” bởi gánh nặng thuế chênh lệch với các gia đình trong ngưỡng thu nhập khác nhau, trong đó hộ gia đình giàu bị ảnh hưởng nhiều hơn hẳn so với các gia đình ở mức thu nhập thấp hơn. Như vậy, nếu điều chỉnh tăng thuế suất GTGT, người giàu sẽ phải đóng thuế với tỷ lệ nhiều hơn người nghèo. Đồng thời, với mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hiện là 9 triệu đồng, thì mức độ ảnh hưởng của thuế thu nhập cá nhân với các hộ gia đình là không lớn.

Nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cải cách hệ thống thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, tỷ lệ động viên từ thuế những năm vừa qua có xu hướng giảm do chúng ta liên tục điều chỉnh giảm mức động viên. Việc thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân (nâng mức giảm trừ gia cảnh), giảm thuế xuất nhập khẩu… cho thấy tiềm ẩn nguy cơ tỷ lệ động viên thuế trên GDP tiếp tục giảm trong các năm tới, do đó khó đảm bảo nguồn lực cho phát triển bền vững.

Ông Phụng khẳng định, thuế luôn được xác định không chỉ giữ vai trò tạo nguồn thu chủ yếu cho NSNN, mà còn là công cụ quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Đồng thuận với ông Phụng, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu: “Tôi rất tâm đắc khi ông Phụng khẳng định lại quan điểm lớn về cải cách chính sách thuế, trong đó quan điểm đầu tiên là phục vụ phát triển kinh tế xã hội; phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế; bình đẳng công khai giữa các thành phần kinh tế; vì nguồn thu. Tất cả nội dung cải cách đều dưới ánh sáng của quan điểm này”.

Bài và ảnh: Đức Minh