5 năm, 53.000 vụ trục lợi bảo hiểm

Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ 2007- 2013, toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ có khoảng 52.860 vụ trục lợi, số tiền bị trục lợi ước khoảng 530 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận bảo hiểm, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho DN bảo hiểm.

Trục lợi bảo hiểm diễn ra từ khâu khai báo hồ sơ mua bảo hiểm cho đến khai báo bồi thường. Người mắc bệnh hiểm nghèo, đang trong giai đoạn thập tử nhất sinh mới mua bảo hiểm sinh mạng với số tiền bảo hiểm lớn....Đặc biệt, xẩy ra nhiều ở nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trọn đời.

xử lý trục lợi bảo hiểm
Bảo hiểm sức khỏe là một trong những nghiệp vụ bảo hiểm xảy ra trục lợi nhiều. Ảnh: T.L

Tại hội thảo Phòng chống giân lận bảo hiểm nhân thọ mới đây, Đại tá, PGS.TS Bùi Minh Thanh, Trưởng phòng, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an chia sẻ, trục lợi bảo hiểm điển hình là việc lập hồ sơ sự kiện bảo hiểm xảy ra khi hợp đồng đã hết hiệu lực, khách hàng thông đồng với bác sỹ, các bên liên quan…, chứng nhận lùi sự kiện bảo hiểm để trùng với thời điểm hợp đồng còn hiệu lực.

Cũng theo ông Thanh, khi yêu cầu cung cấp thông tin để xử lý trục lợi bảo hiểm, các cơ quan chức năng liên quan đều cho rằng, đây là việc của dân sự giữa DN bảo hiểm và khách hàng, không liên quan đến cơ quan nhà nước nên không cung cấp thông tin, gây khó khăn cho việc xử lý trục lợi bảo hiểm.

Trưởng Khoa sau đại học, Học Viện Cảnh sát Nhân dân Đường Minh Giới cho rằng, không chỉ khách hàng trục lợi mà thời gian gần đây nhiều vụ trục lợi do chính nhân viên hoặc đại lý của DN bảo hiểm thực hiện. Nhiều đại lý cố tình “thông đồng” với khách hàng ký kết hợp đồng bảo hiểm, dù khách hàng đang mắc bệnh (thuộc trường hợp những bệnh không chấp nhận bảo hiểm).

Còn theo LS Đinh Thị Hoa, Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự, nguyên nhân trục lợi còn do DN bảo hiểm ít trao đổi thông tin với nhau. Bà Hoa lý giải, thị trường bảo hiểm luôn sôi động, phức tạp, cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên các DN bảo hiểm luôn giữ bí mật thông tin. Vì vậy, có một số hình thức trục lợi xuất hiện ở DN bảo hiểm này, chưa xuất hiện ở DN bảo hiểm khác, nhưng do các DN không thường xuyên trao đổi thông tin nên không nắm kịp thời để tránh các hành vi trục lợi đó của một số cá nhân, tổ chức.

Bổ sung tội danh trục lợi bảo hiểm vào Luật Hình sự

Hiện nay quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm chỉ đưa ra các hình thức xử phạt như cảnh cáo; phạt tiền; tước chứng chỉ đại lý; buộc tiêu hủy tài liệu gian dối…đối với các sai phạm. TS Doãn Hồng Nhung, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm còn quá nương nhẹ chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi trục lợi.

Theo bà Nhung, cần sửa đổi Bộ Luật hình sự. Cụ thể hóa tội trục lợi bảo hiểm: Tội phạm này là tội "chưa đạt về mục đích – chưa nhận lợi ích vật chất, tiền…nhưng đã hoàn thành hành vi trục lợi, tạo dựng hiện trường giả, lập hồ sơ khống, không trung thực…”, phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Hà, Khoa nghiệp vụ Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, các chế tài xử phạt vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm chưa đủ mạnh và hiện nay trong Bộ Luật hình sự cũng chưa có quy định về tội trục lợi bảo hiểm, điều này không có tính răn đe mạnh đối với các đối tượng vi phạm. Do đó, cần phải được luật hóa hành vi trục lợi bảo hiểm trong Bộ Luật hình sự.

Theo các chuyên gia trong ngành để giảm thiểu dần tiến tới chấm dứt trục lợi bảo hiểm cần bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; hình sự hóa một số hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trong trục lợi bảo hiểm; kiến nghị với ngành y tế trong việc kiểm soát chặt chẽ thông tin người đến khám chữa bệnh và quy trình quản lý hồ sơ bệnh án…

Đồng thời, cơ quản quản lý cần sớm có các quy định buộc các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin có liên quan đến người mua bảo hiểm khi có yêu cầu…, để xử lý trục lợi bảo hiểm dễ dàng, giúp thị trường bảo hiểm phát triển toàn diện, an toàn, lành mạnh./.

Hồng Chi