t6a

Niềm vui, sự quan tâm của bạn đọc khi đón nhận những thông tin từ báo chí.

Đây là quan điểm được ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký liên đoàn các nhà báo ASEAN chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về hoạt động báo chí.

* PV: Thưa ông, đề án Quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025 được công bố nửa cuối năm 2015 đã có những bước triển khai ban đầu mạnh mẽ. Tuy nhiên đến nay quá trình thực hiện có vẻ chậm dần, không còn “sức nóng” như khi mới ban hành. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Ông Hồ Quang Lợi: Quy hoạch báo chí là việc cần thiết để xây dựng nền báo chí thực sự tích cực, lành mạnh, hiệu quả, nhưng việc này hoàn toàn không dễ. Chúng ta có hơn 800 cơ quan báo chí, với đội ngũ người làm báo hùng hậu tới 23.500 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, chưa kể đội ngũ người làm báo chưa được cấp thẻ. Quy hoạch lại là câu chuyện rất lớn, phức tạp nên phải được chuẩn bị kỹ càng, để làm sao chúng ta có một hệ thống báo chí phù hợp nhất với đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Quy hoạch là để số lượng đầu báo gọn lại, nhưng chất lượng thông tin phải được tăng cường, để phát triển báo chí theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và tiếp cận được với xu hướng mới nhất của đời sống thông tin trên thế giới.

* PV: Vậy theo ông, cần phải làm gì để chúng ta đẩy mạnh hơn việc thực hiện quy hoạch báo chí cho đạt mục tiêu đề ra?

- Ông Hồ Quang Lợi: Như tôi đã nói, đây là việc không đơn giản và không chỉ thực hiện đơn thuần bằng mệnh lệnh hành chính để đạt yêu cầu về số lượng mà không tính toán đến chất lượng và các yếu tố khác. Vấn đề chúng ta cần giải quyết ở đây liên quan đến tổ chức và con người trong lĩnh vực có tính đặc thù cao là báo chí, tác động trực tiếp đến đời sống tư tưởng, tinh thần và cuộc sống của chính những người làm báo. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm túc chủ trương quy hoạch báo chí nhưng cách làm phải thận trọng, có bước đi, có lộ trình phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí của các địa phương, các ngành, các cấp. Nghĩa là có thể không có mô hình đồng loạt với toàn bộ các tỉnh thành, đơn vị trong toàn quốc mà còn phải xem xét tính đặc thù. Ví dụ, chúng ta có 63 tỉnh, thành, nhưng với 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, sẽ không thể dễ dàng sắp xếp 30 - 50 cơ quan báo chí của một thành phố thành 1 cơ quan báo, một số tạp chí hay 1 đài truyền hình… Do vậy, cần cân nhắc, tính toán kỹ để xây dựng hệ thống báo chí có chỗ đứng vững chắc trong đời sống xã hội, đồng thời phát huy được năng lực của đội ngũ những người làm báo có chất lượng hiện nay...

o. loi
Ông Hồ Quang Lợi

* PV: Để phát triển hệ thống báo chí theo mục tiêu đề ra có cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước hay không, thưa ông?Mặc dù Luật Báo chí năm 2016 có quy định các cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho cơ quan báo chí hoạt động, nhưng không nêu rõ các điều kiện này là gì?

- Ông Hồ Quang Lợi: Theo tôi, để báo chí tự đứng vững được bằng đôi chân của mình, bằng chính hoạt động nghề nghiệp thì phải có bước giao thời, vì chúng ta đang trong quá trình quy hoạch báo chí và chuyển đổi cơ chế. Để quy hoạch, chuyển đổi thành công thì báo chí cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Tất nhiên sự hỗ trợ đó phải đúng quy định và còn tùy thuộc vào từng tờ báo với vai trò, vị trí, hiệu quả của tờ báo đó đối với xã hội.

Luật Báo chí mới không nói rõ đơn vị nào, loại báo chí nào được hỗ trợ ra sao. Tuy nhiên, Luật có nói rõ Nhà nước sẽ đặt hàng các cơ quan báo chí để phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại và các ấn phẩm phục vụ một số đối tượng đặc biệt như thiếu niên, nhi đồng, đồng bào vùng cao, thiểu số... Bên cạnh đó, thực tế hiện nay hệ thống báo Đảng, chính quyền, báo của tổ chức chính trị xã hội đang sử dụng hệ thống công sở, các hệ thống vật chất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, đó cũng là hỗ trợ.

Ngoài ra, cũng phải thấy rằng báo chí đang dần thoát khỏi cơ chế bao cấp, báo chí phải tự chủ về tài chính, tự hạch toán. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay nếu hạch toán toàn bộ từ cơ sở vật chất cho tới lương bổng thì sẽ khó khăn với nhiều cơ quan báo chí. Hiện tại, không nhiều cơ quan báo chí có thể thực sự tự chủ hoàn toàn về tài chính.

* PV: Chỉ còn 6 tháng nữa là Luật Báo chí mới sẽ có hiệu lực. Theo ông những điểm nhấn quan trọng của Luật là gì, vai trò, vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam có thay đổi gì với Luật mới?

- Ông Hồ Quang Lợi: Xuất phát từ thực tiễn đời sống báo chí, từ Hiến pháp 2013, Luật Báo chí năm 2016 được sửa đổi, tập trung ở mấy vấn đề lớn như: Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân; đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; liên kết của cơ quan báo chí, có nghĩa là các cơ quan báo chí được quyền liên kết để tạo ra các sản phẩm báo chí, và những đối tượng liên kết phải có nội dung kinh doanh phù hợp theo luật; hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, cái gì không được làm…

Trong đó, một bước tiến mới nữa là vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam đã được luật hóa, qua đó nâng tầm vai trò vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Một trong các nhiệm vụ mà Luật quy định là Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

* PV: Theo Luật mới, quy định về đạo đức nghề nghiệp này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

- Ông Hồ Quang Lợi: Luật Báo chí mới không nói rõ quy định đạo đức gồm những gì mà giao cho Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng và ban hành. Chúng tôi đang tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn… để lấy ý kiến trong giới báo chí. Hội tổ chức đợt sinh hoạt cho hội viên góp ý, điều chỉnh, bổ sung, đưa ra những quy định mới về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Các ý kiến đóng góp, thảo luận sẽ được tập hợp, chắt lọc để đưa vào dự thảo quy định mới về đạo đức báo chí.

Cùng với Luật Báo chí mới, quy định đạo đức nghề nghiệp cũng sẽ có sự điều chỉnh theo hướng làm rõ những nội dung mới trong Luật. Luật quy định ai vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì không được cấp thẻ, đã được cấp thẻ mà vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì sẽ bị thu hồi. Như vậy, quy định về đạo đức nghề nghiệp có ý nghĩa sâu sắc và tác động lớn, liên quan trực tiếp đến việc hành nghề, đòi hỏi người làm nghề vừa phải tuân thủ luật pháp nhưng cũng phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Điều quan trọng là đạo đức nghề nghiệp lần này đã có chỗ dựa về pháp lý.

* PV: Xin cảm ơn ông!

H.Y