Cả nước hiện có hơn 1.000 km đường cao tốc, dự kiến đến năm 2025 có hơn 1.000 km đường cao tốc nữa, Ảnh tư liệu. |
Đảng và Nhà nước đã có chủ trương mạnh mẽ về hoàn thiện hạ tầng chiến lược, đó là hạ tầng giao thông để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Theo quy hoạch chiến lược, riêng ở 3 lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường thủy, Việt Nam cần khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng các dự án lớn ở các lĩnh vực giao thông, trong đó ưu tiên phát triển đường bộ cao tốc.
Cả nước hiện có hơn 1.000 km đường cao tốc, dự kiến đến năm 2025 có hơn 1.000 km đường cao tốc nữa và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.000 km đường cao tốc. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu phát triển giao thông chưa tính đến lĩnh vực đường sắt và dự án đường sắt cao tốc, cần khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn xã hội hóa ngoài nguồn lực nhà nước.
Nếu tính cả đường sắt cao tốc và dự án đường tiêu chuẩn, cần khoảng thêm 3 triệu tỷ đồng nữa. Riêng đường sắt tốc độ cao đã cần hơn 1,7 triệu tỷ đồng.
Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề xuất Chính phủ và các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư để phát triển lĩnh vực hạ tầng GTVT.
Theo Bộ GTVT, Luật Đường bộ đã được ban hành và sắp tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đấu thầu thu phí ở tất cả các tuyến cao tốc nhà nước đã đầu tư, đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia. Bên cạnh đó, có nhiều dự án về giao thông có thể làm BOT để khuyến khích, thu hút vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ có nhiều cơ chế, chính sách và sẽ trình Quốc hội về các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp./.