Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm Đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
See the source image
Ảnh minh họa

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đến nay, các doanh nghiệp thương mại hoạt động hơn 100%, doanh nghiệp sản xuất hoạt động hơn 85%. Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động quay lại làm việc chỉ đạt hơn 65% - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết.

Ngoài Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, thành phố Cần Thơ thực hiện một số quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp như: hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp, người dân hơn 43 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; các quy định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thành phố Cần Thơ vừa phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành giới thiệu cho doanh nghiệp tham gia hơn 20 hội nghị, hội thảo, hội nghị trực tuyến; tọa đàm trực tuyến nhằm thúc đẩy, giới thiệu nông, thủy sản sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Bangladesh,... để hỗ trợ doanh nghiệp tìm lại thị trường cũng như mở rộng thị trường.

Hiện nay, ngoài vấn đề thị trường tiêu thụ đầu ra gặp khó khăn, giảm sản lượng do ảnh hưởng dịch COVID-19; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là nguồn giống, phân bón, xăng, dầu,… thì vấn đề logistics, cước thuê container tăng gấp 5 lần so với trước đây. Vấn đề này ngoài tầm của thành phố, thành phố đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm hỗ trợ giải quyết.

Thành phố Cần Thơ cũng đang thực hiện một số chương trình ngắn hạn hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm giúp họ sớm quay lại hoạt động sản xuất vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động 100% công suất; đồng thời, tiến hành tiêm vaccine mũi 3 để tạo điều kiện cao nhất miễn dịch cộng đồng...

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 148 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất, nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Brazil, Canada, Liên minh châu Âu... Giá trị xuất, nhập khẩu và thu ngoại tệ bình quân đạt 2 tỷ USD/năm (trong đó xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD) với 3 mặt hàng có lợi thế của thành phố là nông, thủy sản (chiếm gần 70% giá trị xuất khẩu). Tính đến ngày 21/12/2021, xuất nhập khẩu và thu ngoại tệ khoảng 1,8 tỷ USD.

Với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp bình ổn nguyên liệu đầu vào sản xuất; giá cước phí logistics, thuê tàu cho các doanh nghiệp xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tổ chức cho doanh nghiệp thành phố được tham gia các chương trình, hội thảo, diễn đàn hợp tác các nước nhằm quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tham gia các chương trình hội chợ quốc tế bằng hình thực trực tuyến; hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định thương mại nhằm tiếp cận thị trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm...

Về xúc tiến, tiêu thụ trong nước, thành phố Cần Thơ đã tham gia ký kết phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Diễn đàn Mekong Cornet 2021; tiếp tục tạo điều kiện duy trì kết nối cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa với các tỉnh trong cả nước; tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung.

Ngoài ra, thành phố tập trung nâng cấp phát triển sàn thương mại điện tử, đặc biệt ban hành danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển thành phố giai đoạn 2021 - 2025; lập quy hoạch tích hợp để sớm trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở pháp lý trong việc kêu gọi đầu tư một số dự án mang tính dẫn dắt như: Trung tâm logistic, hạ tầng giao thông…