Chậm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu - doanh nghiệp thua thiệt

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, doanh nghiệp Việt ngày càng có ý thức hơn về vai trò của tài sản trí tuệ và đã thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.

Ông Trần Lê Hồng cho biết thêm, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã có đánh giá thực trạng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện có của Nhà nước dành cho doanh nghiệp đối với hoạt động này.

Cục đã tổ chức được nhiều hoạt động như tuyên truyền, tập huấn tại Cục Sở hữu trí tuệ và các địa phương về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài; tổ chức hội thảo chuyên đề giới thiệu Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu; xây dựng bộ phận tư vấn; xây dựng tài liệu hướng dẫn trên website; triển khai các dự án hỗ trợ đăng ký ra nước ngoài cho một số chỉ dẫn địa lý như thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn, cà phê Buôn Mê Thuột, Chè Thái Nguyên, mì chũ Bắc Giang…

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm
Gạo ST25 đang gặp khó khăn trong việc bảo hộ nhãn hiệu. Ảnh: TL minh họa

Qua đó, nhận thức của doanh nghiệp đã được nâng cao, lượng đăng ký nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid trong 5 năm qua tăng (năm 2020 tăng 150% so với năm 2015, số quốc gia được chỉ định cũng tăng và danh mục hàng hóa, dịch vụ đa dạng hơn).

Đăng ký nhãn hiệu là thủ tục xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của chủ đơn thông qua việc chủ đơn nộp đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ tài sản vô hình lớn nhất của doanh nghiệp. Do đó, đăng ký nhãn hiệu không chỉ là điều kiện cần và đủ cho mỗi hàng hóa, dịch vụ trước khi bước chân vào thị trường mà còn là nền tảng cho việc phát triển tài sản của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam ý thức được vai trò của tài sản trí tuệ, thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tại thị trường trong nước, nhưng tại thị trường nước ngoài còn rất ít doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc đăng ký. Chính vì vậy đã xảy ra nhiều trường hợp một số tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam bị mất tại nước ngoài do có cá nhân, tổ chức khác đăng ký trước, như câu chuyện của cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột…

Chuyện về gạo ST25 bị chiếm đoạt nhãn hiệu ở nước ngoài rộ lên trong thời gian gần đây như một “hồi chuông cảnh báo” với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cần quan tâm hơn nữa đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tốn không ít chi phí và công sức để giành lại thương hiệu vốn thuộc về mình. Gần 20 năm trước Cafe Trung Nguyên đã buộc phải mua lại thương hiệu của chính mình với rất nhiều tiền để đưa lại thương hiệu về với chủ và tiếp tục quá trình chinh phục thị trường cafe Mỹ.

Cần sự chung tay của cơ quan nhà nước và chủ động của doanh nghiệp

Lý giải thực trạng trên doanh nghiệp lúng túng khi bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài, theo lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, một trong những nguyên nhân là do cơ quan chức năng chưa triển khai được tư vấn chuyên sâu hơn, đặc biệt là chưa có kênh riêng cung cấp thông tin về tư vấn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cũng như kết nối các thông tin về các thị trường tiềm năng, hệ thống cảnh báo về việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Đồng thời, chưa kết hợp để lồng ghép hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ về đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài vào các hoạt động có liên quan của các bộ, ngành, địa phương để thành chuỗi hoạt động hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có nguyên nhân do nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu nói riêng và phát triển thương hiệu nói chung còn hạn chế. Doanh nghiệp không đăng ký vì cho rằng chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tốn kém. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số thương hiệu Việt Nam đã bị “mất bản quyền” tại thị trường nước ngoài.

Để góp phần khắc phục tình trạng các doanh nghiệp không quan tâm đúng mức và không đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, các sở khoa học và công nghệ tỉnh, thành phố với chức năng và năng lực của mình cần đẩy mạnh áp dụng các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Qua đó giúp các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và kịp thời đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm kinh doanh.

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam cần được chú trọng và nâng cao hơn nữa.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp cần đánh giá đúng và đủ thông tin, quy định pháp luật, dịch vụ… liên quan đến lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… để tự bảo vệ tài sản vô hình cũng như hữu hình. Các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin, tư vấn pháp lý và hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bảo hộ không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước bởi việc nộp hồ sơ xin cấp bằng bảo hộ tại nước ngoài rất tốn kém tiền bạc, thời gian, thủ tục còn phức tạp.

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục có sự kết nối giữa các đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý ở địa phương, kết nối thông tin giữa địa phương và trung ương; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ nói chung và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài nói riêng trong các chương trình của các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở các thị trường được nhiều doanh nghiệp quan tâm; xây dựng kênh tư vấn riêng về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài phù hợp với từng nhóm đối tượng./.