Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác với EU

Phát biểu tại sự kiện "Gặp gỡ châu Âu 2021: Quan hệ Việt Nam - EU và ra mắt Sách trắng 2021", do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Bộ Ngoại giao đồng tổ chức ngày 25/11, ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với EU thông qua những chính sách thương mại phù hợp và hiệu quả thiết thực ở tầm vĩ mô tạo động lực cho hợp tác hai bên cùng phát triển. Mặc dù những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, chính quyền và các địa phương của Việt Nam vẫn đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư châu Âu đến Việt Nam.

Cắt giảm nhiều thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài,
trong đó có các nhà đầu tư đến từ châu Âu.

Đại diện cho các nhà đầu tư châu Âu, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham bày tỏ tin tưởng vào Chính phủ mới sẽ phát huy những cải cách tích cực từ Chính phủ tiền nhiệm để Việt Nam tiếp tục phát triển và phục hồi sau đại dịch cũng như cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông nhấn mạnh: “Giờ đây, với việc bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, chúng ta nên bắt đầu tập trung vào tương lai. Mục tiêu của chúng tôi không còn chỉ là để tồn tại, mà là để phát triển”. Tại sự kiện, EuroCham đã công bố Sách trắng 2021, đưa ra các khuyến nghị thực tiễn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo ông Alain Cany, nếu được thực hiện, các đề xuất từ 18 tiểu ban ngành nghề của EuroCham sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng, góp phần thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nhiều hơn từ châu Âu.

Kiên trì theo đuổi mục tiêu cải cách

Sẽ dùng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản

Ông Ngô Hải Phan cho biết, để tạo thuận lợi cho quá trình cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, nguyên tắc ban hành quy phạm pháp luật sửa đổi là đối với những phương án cắt giảm cải cách mới thông qua sẽ dùng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản và sẽ làm rất nhanh câu chuyện cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh.

Phản hồi lại các ý kiến từ các tiểu ban ngành nghề của EuroCham được đề cập trong Sách trắng, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ khóa XV kiên trì theo đuổi mục tiêu cải cách, tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính...

Với quyết tâm như vậy, Chính phủ đã ban hành chương trình cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, không chỉ cắt giảm những quy định hiện hành mà cắt giảm cả những quy định dự kiến được ban hành, cũng như cắt giảm những chi phí trong việc thực thi các quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng thông qua làm việc trực tuyến và tương tác giữa các bên, đã thực hiện cắt giảm 42 điều kiện kinh doanh, bãi bỏ được 572 mặt mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, tích hợp 2.811 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia… Đồng thời thông qua hai đề án quan trọng là Đề án 468 (Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính) giai đoạn 2021 - 2025 để thúc đẩy chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các cấp chính quyền, tiến tới năm 2025, 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính phải là trực tuyến. Đề án thứ hai là

Đề án 38 (Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu) về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Ông Phan cho biết, để thể chế hóa hai đề án này, thời gian qua, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, các cơ quan xây dựng và đang trình Chính phủ dự thảo 2 nghị định rất quan trọng: nghị định sửa đổi Nghị định 61 về cơ chế một cửa liên thông theo hướng thúc đẩy chuyển đổi số và nghị định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa kiểm tra an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Dự kiến trong tháng 12/2021, Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định này.

“Chúng tôi cũng đã tiếp tục thông qua các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của các bộ, ngành và nhấn mạnh các bộ sẽ là chủ thể của cải cách thủ tục hành chính. Các bộ đã lên phương án cho 1.400 quy định kinh doanh và hiện nay đã có 5 bộ, ngành được Thủ tướng thông qua phương án”- ông Phan thông tin. Cũng theo ông Phan, dự kiến 6 tháng đầu năm 2022, có khoảng 192 văn bản quy phạm pháp luật sẽ được thực thi. Từ nay đến cuối năm, Cổng tham vấn quy định kinh doanh tập trung của quốc gia sẽ được đưa vào chính thức vận hành. Các doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với tất cả các bộ, các ngành trong việc tham gia ý kiến về các dự thảo các quy định cũng như các quy định hiện hành còn gây khó khăn, rào cản cho kinh doanh.

Bên cạnh đó, ông Phan cũng cho biết, đối với việc triển khai các quy định liên quan ở cấp chính quyền địa phương, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy và phát huy vai trò của chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương thông qua Đề án 468.

EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận định, quan hệ giữa Việt Nam và EU trong thời gian qua phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. EU đang là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam và EU có tính bổ trợ cho nhau. Các địa phương Việt Nam và EU đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi để có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực từ kinh tế văn hóa du lịch giáo dục khoa học công nghệ, y tế, nông nghiệp… trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, đại dịch Covid-19…